Trước tiên là việc Đinh Tiên Hoàng thống nhất quốc gia, xưng đế hiệu, tiếp nối quốc thống của các vua Hùng dựng nước. Chính vì coi vương triều Đinh là mở nền chính thống cho thời đại phong kiến độc lập, tự chủ của dân tộc, nên các bộ chính sử, từ Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XV), Đại Việt sử ký tiền biên (thế kỷ XVIII), đến Khâm định Việt sử thông giám cương mục (thế kỷ XIX), triều Đinh đều được các đại sử gia phong kiến lấy làm mốc mở đầu phần Bản kỷ, hoặc Chính biên.
Cùng với việc thống nhất quốc gia, xưng đế hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt (Nước Việt to lớn) năm 968, là có ý phủ nhận các tên gọi nước ta do các hoàng đế Trung Hoa thường dùng trước đó như An Nam, Giao Châu, Giao Chỉ… Hơn thế nữa, quốc hiệu Đại Cồ Việt do Đinh Tiên Hoàng đặt ra còn có ý đối sánh với tinh thần Đại Hán của Trung Quốc. Người Hán coi nước họ là trung tâm của thiên hạ (Trung Quốc), là trung tâm của tinh hoa (Trung Hoa), là văn minh, văn hiến; ngược lại, họ gọi các nước xung quanh với thái độ miệt thị là Địch, Di, Nhung, Man... hàm nghĩa man di, mọi rợ, kém phát triển.
Năm 970, sau hai năm lập quốc, định đô, Đinh Tiên Hoàng bỏ không dùng niên hiệu của các Hoàng đế Trung Hoa nữa, đặt niên hiệu riêng là Thái Bình, biểu hiện ý chí độc lập, tự chủ, hoàn toàn không lệ thuộc vào Trung Quốc và thể hiện khát vọng của dân tộc được sống trong một đất nước thái bình, thịnh trị, không có chiến tranh.
Trong bối cảnh nước Đại Cồ Việt vừa mới ra đời sau mấy mươi năm loạn lạc, cát cứ, nước nhà đã thống nhất, nhưng mầm mống cát cứ vẫn chưa dứt. Hơn nữa, ở phương Bắc, nhà Tống mới thống nhất đất nước, khá hùng mạnh, âm mưu nhòm ngó phương Nam không lúc nào chúng không toan tính. Bởi thế, Đinh Tiên Hoàng thật tài năng, mưu lược, đã chọn Hoa Lư dựng quốc đô với thế núi sông hiểm trở, lấy kế sách "thủ hiểm" làm đầu để dung dưỡng quân binh, chăm lo "thực túc binh cường".
Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng một mặt sai sứ sang giao hảo với nhà Tống, đem biếu các sản vật địa phương, thường xuyên theo dõi mọi động tĩnh của thế lực bành trướng, xâm lăng; với chính sách ngoại giao khôn khéo, mềm dẻo, "trong xưng đế, ngoài xưng vương", Đinh Tiên Hoàng đã giả thần phục nhà Tống để có cơ hội xây dựng đất nước, củng cố lực lượng vũ trang với mười đạo quân đủ mạnh để bảo vệ nhà nước quân chủ non trẻ mới ra đời.
Bài học lớn của dân tộc ta trong tiến trình dựng nước, giữ nước là độc lập và thống nhất là một chỉnh thể không tách rời nhau. Thống nhất trong nước mới có đủ sức đối phó với ngoại bang xâm lược. Vì vậy, ngay từ khi mới lên nắm vương quyền, Đinh Tiên Hoàng đã đặc biệt chú ý xây dựng hệ thống chính quyền của đất nước thống nhất. Ông quan tâm đến khối đoàn kết dân tộc, tôn sùng đạo Phật và củng cố nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh.
Trước nhà Đinh, chưa có thời kỳ nào ý thức tự cường, tự tôn dân tộc lại mạnh mẽ như thời đại nhà Đinh. Việc xưng đế, lập quốc, đặt tên nước, lập kinh đô, đổi niên hiệu là biểu hiện đỉnh cao của ý chí độc lập, thống nhất, tự tôn, tự cường dân tộc. Tuyên ngôn đanh thép "Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo, Hoa Lư đô thị Hán Trường An" (Nước Cồ Việt ngang Tống Khai Bảo/ Đô Hoa Lư sánh Hán Tràng An) ấy, đã khích lệ mạnh mẽ tinh thần dân tộc trong nhân dân Đại Cồ Việt. Đúng như sử gia Ngô Thì Sĩ đánh giá: "Tiên Hoàng dấy lên từ một người áo vải, một lần nổi lên dẹp được 12 sứ quân. Rồi dựng nước, dựng Kinh đô, đổi niên hiệu, chính ngôi vua. Võ công vang khắp, văn hóa đều đổi mới. Trị vì 3 năm, mới bắt đầu thông hiếu với nhà Tống, điển chương nhà vua, tước trật của quân đội, rất mực đáng khen. Con là Liễn lại được trao chức Quận vương. Sự nghiệp mở mang, có thể nói là rất lớn". Đại Việt sử ký toàn thư cũng viết: "Vua... dẹp yên các sứ quân, tự lập làm đế, ở ngôi 12 năm... Vua tài năng thông minh hơn người, dũng lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng, nối lại đại thống của Triệu Vũ Đế...." .
Đại sử gia Lê Văn Hưu đánh giá tài năng và công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng thật xác đáng: "Tiên Hoàng tài năng, sáng suốt hơn người, dũng lược nhất đời. Đương lúc nước Việt ta không chủ, các hùng trưởng cát cứ, đánh một cái mà mười hai sứ quân thần phục hết, rồi mở nước đóng đô, đổi xưng Hoàng đế, đặt trăm quan, dựng sáu quân, chế độ gần đủ, chắc là ý trời vì nước Việt ta lại sinh ra bậc Thánh triết để tiếp nối chính thống của Triệu Vương chăng?" (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Việc bầy tôi dâng miếu hiệu là Tiên Hoàng đế cũng là đối sánh với Thủy Hoàng đế của Trung Quốc có công thống nhất quốc gia lập nên nhà Tần mà sử cũ gọi là Tần Thủy Hoàng.
Đinh Tiên Hoàng tuy ở ngôi ngắn ngủi (12 năm), nhưng ông đã có công lao to lớn là dẹp yên nội loạn, xóa bỏ tình trạng cát cứ làm suy yếu đất nước nhiều năm, xây dựng một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên có đủ triều nghi, phẩm phục, có quân đội hùng mạnh, pháp chế nghiêm minh, cho đúc tiền đồng "Thái Bình hưng bảo", là đồng tiền xưa nhất của nước ta. Trên cơ sở nước Đại Cồ Việt thống nhất và vững mạnh ấy, năm 981, Lê Hoàn có điểm tựa để đánh bại quân xâm lược nhà Tống, bảo vệ độc lập, chủ quyền cho non sông, đất nước. Ngô Vương Quyền là người mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, tự chủ. Đinh Tiên Hoàng là vị anh hùng dân tộc, mở đầu sự nghiệp thống nhất quốc gia. Bức Đại tự "Chính thống thủy" (Mở đầu nền chính thống) trong Đền thờ vua Đinh ở Trường Yên (Hoa Lư), như bảng vàng lưu lại ngàn thu võ công, văn trị oanh liệt đó. Văn bia Chính Hòa (thế kỷ XVII) ở Đền thờ Vua Đinh ghi: "Bậc Đế vương chính thống của nước Việt ta khởi đầu từ đấy. Các bậc Vua Thánh, Đế Thần kế tiếp nhau chấn tác sau này cũng đều to rộng theo bài học của triều Đinh".
Để tưởng nhớ công lao vĩ đại của Đinh Tiên Hoàng, sau khi đức vua mất (979), ở kinh thành Hoa Lư, quần thần và dân chúng đã lập đền thờ đức vua. Sau khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, nhân dân địa phương xây dựng lại đền thờ vua Đinh và vua Lê Đại Hành, đến đầu thế kỷ XVII, hai ngôi Đền thờ hai vua lại được trùng tu to lớn hơn và hàng năm mở hội lớn hơn. Lịch mở hội có năm vào rằm tháng hai âm lịch là ngày sinh vua Đinh, hay 16 tháng tám, là ngày mất hoặc ngày 10-3 âm lịch là ngày đức Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế. Như vậy, lễ hội Trường Yên đã có từ hơn một nghìn năm trước.
Theo "Từ điển lễ tục Việt Nam" cho biết, hàng năm vào ngày 16-8 âm lịch là ngày kỵ vua Đinh, lễ hội diễn ra suốt các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Mỗi lần tế lễ, nhà vua cử các quan về Đền vua Đinh để hành lễ và phải đến sớm một ngày để diễn tập nghi lễ. Như vậy, Lễ hội Trường Yên đã được triều đình phong kiến tổ chức với nghi thức quốc lễ từ rất lâu đời. Lễ vật có lụa, rượu, xôi, trâu, dê, lợn, hoa quả, hương nến; có các ca sinh tấu 9 bài hát khác nhau. Trước sân rồng, ngoài cờ quạt tàn lọng, còn có 40 người lính đội nón dấu, mặc áo nỉ, cầm khí giới đứng thành hai hàng.
Sang đời Khải Định (1916 - 1925), Lễ hội không tổ chức vào ngày 16-8 mà là ngày 10-3 âm lịch, ngày vua Đinh lên ngôi. Ca dao Ninh Bình truyền tụng:
Dù ai buôn đâu bán đâu,
Nhớ ngày mở hội Cờ Lau thì về;
Dù ai bận rộn trăm nghề,
Tháng Ba mở hội thì về Trường Yên.
Nhà nghiên cứu lịch sử Trương Đình Tưởng
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Ninh Bình