Đinh Hữu Niên đến với thơ khá sớm. Ông làm thơ từ thời sinh viên, nhưng cũng chỉ đăng trên báo tường của lớp, của trường. Vào năm 1964, ông đã có bài thơ đầu tay đăng trên báo "Nông thôn ngày nay". Đó là bài thơ ông viết về cái làng Chòm Hạ: "Làng Chòm như một cái ao/Chớm mưa nước chở trăng vào đầy sân". Bài thơ được viết trong một đêm mưa trắng đồng trên đất làng Chòm. Ông luôn biết vượt lên cái khắc nghiệt của thiên nhiên và cả trong cuộc đời để hướng tới cái đẹp, cái nhân sinh, nên dù trong mưa lũ mà vẫn có được câu "Nước chở trăng vào đầy sân". Rồi bẵng đi một thời gian, cũng vì phải bươn chải, lo toan với nghề, với gia cảnh khó khăn, ông không làm thơ.
Nhưng rồi những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, ông như được tiếp thêm sinh khí và ông lại hào hứng với thơ ca. Ông bộc bạch: "Tôi đến với thơ là đến với đời. Tỏ cõi lòng được sống chính là tôi...". Với ông, thơ là cái hồn, thơ phải vươn tới những giá trị nhân văn, tới cái "chân, thiện, mỹ", nếu không có cái hồn, cái rung cảm máu thịt từ trái tim thi sĩ thì khó có được những bài thơ, câu thơ đạt tới tầm. Riêng về đề tài quê hương, ông đã khắc họa những hình ảnh thật ấn tượng, thật khó quên: "Nửa năm con đò xuôi ngược/ Miếng ăn trời cướp trốc tay".
Những bài thơ ông viết về quê hương thật đa dạng, thân quen và gần gũi như: "Đò ngang", "Gốc đa làng", "Những đứa con quê hương", "Dáng mẹ quê hương", "Hồn quê", "Về thăm mộ mẹ", "Đi dưới trời quê", "Đưa bạn về quê"... Hình ảnh ông tâm đắc, trở thành chất liệu để khai thác, vẫn là ngọn núi, cây đa, bến nước, con đò và những con người gần gũi thân thương, đó là những người mẹ, người chị, những người con gái quê hương nhân hậu và thủy chung, đảm đang mà son sắt, biết chịu đựng, hy sinh…
Bến nước, sân đình - hình ảnh đẹp của làng quê Việt.
Đề tài chiến tranh và người lính trong thơ Đinh Hữu Niên cũng được ông dành nhiều tâm huyết để khai thác và thể hiện. Theo ông, đất nước mình, quê hương mình được như ngày nay bởi có lớp lớp cha anh đã chiến đấu hy sinh, giành cả cuộc đời hay ít nhất một phần thân thể cho chiến tranh giải phóng dân tộc.
Được biết, ngoài không ít những bài thơ ông viết về chiến tranh và người lính, Đinh Hữu Niên đã có hàng chục truyện kí, về những tập thể, cá nhân, về những người lính đi ra từ cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại. Điều đáng ghi nhận ở ông là dù thơ ca hay truyện ký, bút ký, tùy bút, tản văn, tác giả không chỉ có một bút pháp, phong cách riêng mà còn biết hóa thân vào tác phẩm, vào nhân vật, tạo nên những hiệu ứng xã hội và nhân văn tích cực. Hàng loạt truyện ký của ông khi ra mắt bạn đọc đã tạo được dấu ấn thật mạnh mẽ. Với lối viết trung thực nhưng đầy cảm xúc, ông đã làm sống lại những năm tháng đau thương nhưng thật khí phách, hào hùng của những người con Ninh Bình trên trận tuyến chống quân thù.
Vốn là nhà giáo, lại có những trải nghiệm, vốn sống phong phú nên cả khi làm thơ, viết văn ông đều có một tư duy chặt chẽ, văn phong khoáng đạt, ngôn từ, hình ảnh được chắt lọc, giàu sức biểu cảm. Tác phẩm của ông có sức lan tỏa, có được chỗ đứng trong lòng bạn đọc bởi cái hồn, cái cốt cách được thể hiện quả từng trang viết. Đi qua thời gian, ngòi bút của ông càng thêm chững chạc, tự tin và cũng thăng hoa hơn. Đọc thơ ông, ít ai hình dung nhà thơ đã đi qua tuổi 70, bởi sự khám phá, trẻ trung trong ngôn từ, ý tưởng.
Đinh Hữu Niên viết khỏe và đều tay, chỉ tính hơn 20 năm trở lại đây, ngoài hàng trăm bài thơ, bút ký, truyện ngắn, phóng sự được đăng tải trên các báo, tạp chí T.Ư và địa phương, phát trên sóng phát thanh và truyền hình Việt Nam, Ninh Bình, ông đã tập hợp những bài thơ tiêu biểu lần lượt cho ra mắt bạn đọc tập "Hoa màu tím" - NXB Thanh niên ấn hành năm 1998 và "Lá màu xanh" - NXB Thanh niên ấn hành năm 2006. Và ông khá thành công trên lĩnh vực văn xuôi, đặc biệt là truyện ký. Đây là một thể loại không dễ thể hiện bởi nó vừa đòi hỏi sự trung thực với nhân vật và sự kiện, vừa phải có bút pháp linh hoạt, giàu ngôn ngữ, hình ảnh mới tạo được sức hút với độc giả. Trong số truyện ký của ông phải kể đến "Năm tháng đời người", viết về Đại tá Lương Văn Thư, một người con ưu tú của vùng quê núi Thúy, sông Vân mà những chiến công mãi ngời sắc đỏ, mãi còn với thời gian. Đây cũng là tác phẩm văn xuôi đầu tay của ông được Sở VHTT Ninh Bình xuất bản năm 2000. Năm 2003, truyện ký thứ 2 ra mắt bạn đọc, đó là tập "Tuổi xuân và cuộc đời" viết về Tiểu đoàn bộ đội nữ Trường Sơn, những người con gái kiên trung của quê hương Ninh Bình đã chiến đấu, hy sinh, lập bao chiến công trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Và năm 2007, truyện ký thứ 3 cùng viết chung với tác giả Lê Liêu "Đời người còn lại", viết về Đại tá, Phó Tư lệnh bộ đội đặc công Trần Duy Thị được Hội VHNT Ninh Bình xuất bản, đã thêm lần nữa khẳng định năng lực sáng tạo và bút pháp của Đinh Hữu Niên trên lĩnh vực văn xuôi, đặc biệt là thể loại truyện ký, được bạn đọc hoan nghênh và đón nhận.
Với niềm say mê và những nỗ lực hết mình trên con đường lao động nghệ thuật, ông đã được tặng giải thưởng văn học Trương Hán Siêu và một số giải báo chí khác, trong dó có bài ký "Người quản trang" đã được giải thưởng của Báo Lao động - xã hội.
Lê Liêu