Các KCN đã và đang xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế-xã hội một số năm tới nhưng chưa đảm bảo tính bền vững và lâu dài. Do vậy, việc cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN là cần thiết và đảm bảo phân bố một cách hợp lý, hạn chế ảnh hưởng tới sự phát triển du lịch, ưu tiên hàng đầu công nghiệp sạch, công nghệ cao.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, Quy hoạch tổng thể các KCN tỉnh Ninh Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 7 khu: Khánh Phú, Tam Điệp, Gián Khẩu, Khánh Cư, Phúc Sơn, Xích Thổ, Sơn Hà với tổng diện tích 1.961 ha.
Hiện tại, có 3 KCN đã thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy đạt 91%, trong đó KCN Khánh Phú và Gián Khẩu đã lấp đầy 100% diện tích, KCN Tam Điệp giai đoạn 1 đạt 51,76%. Tổng số dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư là 63 dự án với số vốn đăng ký 41.256,75 tỷ đồng, trong đó có 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng mức đầu tư 10.459 tỷ đồng.
Những năm qua, các KCN đã khẳng định được vị trí, vai trò và tầm quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Với tổng diện tích quy hoạch hơn 700 ha, nhưng sau khi đầu tư xây dựng các doanh nghiệp trong 3 KCN đã đi vào hoạt động, sản xuất ổn định, có tổng giá trị sản xuất và nộp ngân sách chiếm tỷ lệ cao.
Trong năm 2011, giá trị sản xuất các doanh nghiệp trong KCN đạt 5.400 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2010, chiếm 42% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; nộp ngân sách trên 855 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2010, đạt trên 37% số thu ngân sách toàn tỉnh (trừ số thu về đấu giá quyền sử dụng đất); xuất khẩu trên 186 triệu USD, tăng 4,7 lần so với năm 2010, đạt 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đặc biệt, các KCN đã giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động địa phương, góp phần giải quyết vấn đề lao động ở nông thôn.
Bên cạnh KCN Khánh Phú, Gián Khẩu đã xây dựng và cơ bản được lấp đầy thì việc triển khai xây dựng và thu hút đầu tư của các KCN khác đang gặp phải khó khăn. Trong đó, KCN Phúc Sơn đã quy hoạch chi tiết, đã cấp giấy phép đầu tư hạ tầng nhưng nhà đầu tư chưa triển khai do khó khăn về vốn; KCN Khánh Cư đã quy hoạch chi tiết nhưng chưa có nhà đầu tư; KCN Tam Điệp mới đầu tư giai đoạn I khoảng 10 tỷ đồng, hiện tại cũng không đủ điều kiện thu hút đầu tư; còn 2 khu Sơn Hà và Xích Thổ chưa quy hoạch chi tiết và thực tế không thực hiện được; KCN Tam Điệp giai đoạn II đã phê duyệt quy hoạch nhưng không còn phù hợp với quy hoạch phát triển thị xã Tam Điệp lên đô thị loại 3 nên cũng không thể triển khai.
Để làm tốt công tác định hướng và phát triển các KCN thời gian tới, Ninh Bình đã có dự thảo quy hoạch, trong đó điều chỉnh đảm bảo được các yêu cầu: hạn chế ảnh hưởng, mâu thuẫn với phát triển du lịch; không nên quy hoạch nhiều khu, phân bố rải rác mà hướng tới quy hoạch ít khu, phân bố hợp lý; ưu tiên hàng đầu cho lựa chọn công nghiệp sạch, công nghệ cao. Theo đó, phương án điều chỉnh diện tích các KCN đã có trong quy hoạch được phê duyệt sẽ bỏ 2 KCN là KCN Xích Thổ và KCN Sơn Hà có tổng diện tích 600 ha.
Với KCN Tam Điệp để phù hợp với điều chỉnh quy hoạch phát triển thị xã Tam Điệp lên đô thị loại 3, sẽ giữ nguyên hiện trạng mặt bằng các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực khoảng 64 ha, không phát triển thêm diện tích xây dựng nhà máy, chuyển diện tích 130 ha chưa xây dựng của giai đoạn 1, 121 ha giai đoạn 2 và 136 ha diện tích còn lại chưa quy hoạch lập thành KCN Tam Điệp 2 tại xã Quang Sơn với tổng diện tích khoảng 400 ha. Khu vực dự kiến quy hoạch KCN Tam Điệp 2 là vùng đồi núi, cách trung tâm thị xã Tam Điệp khoảng 7 Km, gần Trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc Ninh Bình - Bỉm Sơn, có giao thông thuận tiện, địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho việc xây dựng hạ tầng, cung cấp điện nước. Hiện nay, khu vực này chủ yếu là đất trồng cây công nghiệp ngắn ngày, thuộc vùng trồng nguyên liệu của Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu Đồng Giao. Bên cạnh đó, dự kiến sẽ điều chỉnh vị trí KCN Khánh Cư để phục vụ tổ hợp năng lượng - điện.
Về phương án bổ sung mới, mở rộng một số KCN vào quy hoạch phát triển KCN cả nước đến năm 2020 sẽ bổ sung KCN ven biển Kim Sơn với diện tích 500 ha. Hiện nay, UBND huyện Kim Sơn đang xây dựng quy hoạch vùng kinh tế biển Kim Sơn, việc bổ sung KCN ven biển là phù hợp với yêu cầu phát triển của Ninh Bình. Như vậy, quy hoạch tổng thể các KCN tỉnh đến năm 2020 gồm 6 KCN, với tổng diện tích 1.847ha, bao gồm các KCN: Khánh Phú, Gián Khẩu, Phúc Sơn, Khánh Cư, Tam Điệp và KCN ven biển Kim Sơn.
Việc điều chỉnh quy hoạch các KCN là cần thiết, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra là ưu tiên xây dựng một số KCN có lợi thế, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, ổn định trong tương lai.
Hồng Giang