Bắt tay triển khai công tác này, LĐLĐ huyện đã khảo sát thực tế để nắm chắc tình hình doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn cả về chất lượng và số lượng, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên của cả năm đảm bảo sát với tình hình thực tế của địa phương.
Theo đồng chí Phùng Thị Hằng, Chủ tịch LĐLĐ huyện: Chúng tôi xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS không hề dễ dàng, nếu chỉ có sự vào cuộc của tổ chức công đoàn thì sẽ rất khó khăn, vì vậy chúng tôi chủ động phối hợp thường xuyên với các đơn vị chức năng như BHXH huyện, Phòng LĐTBXH, cơ quan Thuế… để nắm thông tin về các doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó rà soát, phân loại, xác định tiêu chí ưu tiên, phân công cán bộ trực tiếp xuống doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS.
Đối với những đơn vị khó tiếp cận, LĐLĐ huyện tranh thủ sự lãnh đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền cùng cấp và các mối quan hệ tích cực khác để tiếp cận, xây dựng được sự tin tưởng, ủng hộ của người sử dụng lao động.
Nét mới trong việc tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở năm vừa qua cũng phải kể đến việc LĐLĐ huyện đã gắn công tác này với thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo, xây dựng mô hình điểm "Vận động doanh nghiệp thành lập công đoàn cơ sở". ở đó, các cán bộ công đoàn đã thực sự kiên trì, bền bỉ khi giải thích, tuyên truyền cho chủ doanh nghiệp hiểu được vai trò "cầu nối" của tổ chức công đoàn trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.
Từ đó thuyết phục họ tạo điều kiện thành lập CĐCS. Khi CĐCS được thành lập, LĐLĐ huyện phân công cán bộ phụ trách đôn đốc, hướng dẫn CĐCS hoạt động, phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đối thoại, giải quyết sớm những vướng mắc phát sinh với người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định để doanh nghiệp thấy được lợi ích khi thành lập tổ chức công đoàn và tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động.
Mặt khác, để thu hút, tập hợp đoàn viên, bằng những hoạt động cụ thể, tổ chức công đoàn đã và đang chứng minh hiệu quả hoạt động của mình, trở thành "điểm tựa" vững chắc để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Năm vừa qua, thực hiện chương trình phúc lợi đoàn viên cho đoàn viên và người lao động, đã có hơn 1.200 người lao động được mua, sử dụng các sản phẩm, các dịch vụ ưu đãi từ đối tác do LĐLĐ huyện ký kết.
Các CĐCS cũng tích cực thương lượng với người sử dụng lao động thực hiện hỗ trợ tiền ăn ca, kiểm tra giám sát việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các bếp ăn tập thể tại doanh nghiệp, chất lượng bữa ăn ca của người lao động. Hiện nay trên địa bàn có 12 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, tổ chức bữa ăn giữa ca cho hơn 6.200 công nhân lao động, giá trị bữa ăn đều đảm bảo đạt trên 15.000 đồng/người/bữa.
Cùng với đó, các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động luôn được các cấp công đoàn quan tâm. Nhiều CĐCS đã thành lập được đội bóng chuyền hơi, đội cầu lông và tổ chức tập luyện thường xuyên. Năm vừa qua đã có 81,5% CĐCS tổ chức được các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thu hút trên 3.800 CNVCLĐ tham gia.
Đặc biệt, LĐLĐ huyện đã tổ chức thành công hội thi "Nét đẹp công nhân Yên Khánh" lần thứ nhất với đối tượng tham gia là công nhân lao động trực tiếp sản xuất ở các nhà máy, phân xưởng, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ doanh nghiệp và người lao động…
Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, song trên thực tế việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy thời gian tới LĐLĐ huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chăm lo cho đoàn viên, tạo sự khác biệt so với lao động không phải là đoàn viên Công đoàn; tiếp tục đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vận động người lao động gắn bó để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Đào Duy