Theo tìm hiểu, đa phần trẻ tự kỷ kém về khả năng ngôn ngữ, không tập trung, chậm phản ứng, không thích giao tiếp, kết bạn, dễ nổi nóng… Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ tự kỷ hầu như không thể hòa nhập và theo kịp bạn cùng trang lứa, nhất là khi đến tuổi tới trường.
Cô giáo Bùi Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thiên thần nhỏ Ninh Bình cho biết: Trước đây trên địa bàn thành phố Ninh Bình không có bất cứ cơ sở nào của Nhà nước và tư nhân can thiệp cho trẻ bị tự kỷ, các gia đình đều phải đưa con lên Hà Nội can thiệp, rất vất vả và tốn kém công sức, tiền bạc.
Thấu hiểu điều đó, một số cử nhân các chuyên ngành Tâm lý, giáo dục đặc biệt, mầm non, tiểu học… sau khi về quê hương đã cùng với Hội Phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ thiết lập và hình thành nên nhóm tương trợ phụ huynh trên địa bàn thành phố Ninh Bình.
Sau khi nhóm được thành lập, học sinh ngày càng tăng cao, nhu cầu gia đình tăng nhiều. Đáp ứng nhu cầu của xã hội trong giáo dục trẻ tự kỷ, năm 2018, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thiên thần nhỏ Ninh Bình được thành lập với 3 cơ sở hoạt động, hiện có gần 200 học sinh.
Để đáp ứng yêu cầu hoạt động, Trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh có con mắc các chứng rối loạn phát triển, đội ngũ giáo viên tại các trường công lập trên địa bàn thành phố Ninh Bình.
Theo cô giáo Bùi Thị Thu, Giám đốc Trung tâm thì điều trị, can thiệp cho trẻ tự kỷ hiệu quả nhất, được xem là cơ hội vàng từ giai đoạn 18 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi. Nếu trẻ ở độ này được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cùng các hoạt động giáo dục trong giai đoạn này sẽ giúp trẻ phát triển được khả năng giao tiếp và có kỹ năng học tập bình thường. V
ới những trẻ tự kỷ nặng, các biện pháp can thiệp sẽ giúp trẻ ổn định tâm lý, không có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Hiện nay, Trung tâm đang cung cấp các dịch vụ như chẩn đoán, đánh giá, can thiệp theo giờ, can thiệp bán trú, can thiệp tại nhà cho trẻ gặp các khó khăn và khuyết tật phát triển như rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn phát triển trí tuệ (chậm phát triển trí tuệ, khuyết tật trí tuệ), các rối loạn giao tiếp, chậm nói…
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thiên thần nhỏ Ninh Bình là đơn vị chuyên môn duy nhất của tỉnh về giáo dục trẻ tự kỷ đang thực hiện nhiều biện pháp can thiệp sớm như tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp.
Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 12/2019, Ninh Bình là 1 trong 4 tỉnh của cả nước (Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình và Hải Phòng) thực hiện Dự án "Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại cộng đồng" của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Hiện Trung tâm đã triển khai ở 25 gia đình có trẻ tự kỷ tham gia Dự án, ưu tiên các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như gia đình hộ nghèo, khó khăn về tài chính, trẻ chưa được tiếp xúc với nhiều sự hỗ trợ, cha mẹ đơn thân…
Dự án sẽ hỗ trợ gia đình trẻ tự kỷ các kiến thức, kỹ năng dạy trẻ tự kỷ như hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ và phương pháp can thiệp các lĩnh vực cơ bản và quản lý hành vi cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ. Từ đó giúp phụ huynh có cách hiểu đúng về trẻ tự kỷ, có định hướng cách hỗ trợ tốt nhất cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển và rèn luyện các kỹ năng giao tiếp và tương tác ngay tại cộng đồng.
Để trẻ mắc hội chứng tự kỷ có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, ngoài sự nỗ lực của các bậc cha mẹ, rất cần sự chung tay giúp đỡ, cách nhìn nhận đúng của cộng đồng về trẻ tự kỷ, để người tự kỷ được bình đẳng và phát triển năng lực.
Tiến Minh