Kỳ II: Huyền thoại đội bóng Khánh Ninh
Đất Yên Khánh xưa nổi tiếng với việc sản sinh ra nhiều cầu thủ giỏi, những phải đến khi đội bóng Khánh Ninh ra đời từ phong trào hợp tác hóa thì tên tuổi bóng đá Yên Khánh mới thực sự có tên trên bản đồ bóng đá Ninh Bình.
Đội bóng Khánh Ninh ra đời mang danh phận một đội bóng phong trào của một hợp tác xã nông nghiệp. Người có công khai sinh ra đội bóng này chính là cụ Lê Văn Niệm. Là một danh thủ nổi tiếng thời Pháp thuộc, cụ Niệm được giao làm huấn luyện đội bóng này.Theo ông Nguyễn Văn Vì (khu phố 3, thị trấn Yên Ninh) kể rằng "dạo ấy cụ Niệm chọn trong toàn xã được 25 khỏe mạnh và bắt tay huấn luyện, trong số đó có 6 cầu thủ được xây dựng làm nòng cốt của đội, tôi chơi ở vị trí en trái (cánh trái), là một trong số sáu người được chọn".
Theo ông Lê Văn Hóa, một cầu thủ và cũng là một nhân chứng sống của đội bóng Khánh Ninh, người cùng thời với ông Vì nói thêm:"ông Vì làm nghề xe thồ, người thấp nhỏ nhưng khỏe và chạy nhanh nhất đội, nhất là những pha luồn lách đi bóng, bởi vậy mỗi trận đấu hậu vệ đối phương luôn phải ngán ông ấy". Những người bạn của ông Vì còn kể thêm một câu chuyện để minh chứng cho sức vóc của ông Vì như sau: trong đội xe thồ ông Vì là ngưởi cực khỏe, người nhở loắt choắt nhưng ông có thể thồ tới 160 viên gạch máy, mỗi viên nặng trên 2,5 kg mà cứ đẩy xe đi phăm phăm. Cũng bởi sức khỏe trời phú như vậy nên lúc đá bóng, ông Vì cứ chạy cả hai hiệp như không.
Cầu thủ Lê Văn Hóa lại là một tên tuổi nữa trong số 6 cầu thủ nòng cốt của đọi bóng Khánh Ninh. Ông Hóa có thân phận "đặc biệt" một chút vì ông chính là con trai của cụ Niệm. Tuy nhiên ông Hóa được chọn không phải vì "nhất cận thân" mà vì cái gen bóng đá từ huyết thống của cha di truyền lại. Ông Hóa được nhiều người nhớ nhất vì những đặc điểm riêng "khác người". Dạo ấy cầu thủ cả đội do xuất thân nghèo khổ nên ai cũng thể hình thấp nhỏ, chỉ riêng ông Hóa cao to lừng lững. Ông từng trúng tuyển phi công nhưng vì nhiều lý do đã không được cho đi học. Trong đội bóng ông Hóa lại đá vị trí tiền đạo các hậu vệ đội bạn thường rất ngại chạm mặt với ông. Nhiều người trẻ thời ông Hóa vẫn còn nhớ như in hình ảnh ông Hóa. Chính người viết bài này khi đi tìm tư liệu cho bài viết đã được một "fan hâm mộ cầu thủ Lê Văn Hóa" từ những năm 1960 đưa đường cho đến tận nhà cựu cầu thủ này.
Thời đi học, ông Hóa đã nổi tiếng giỏi chơi bóng, từng được chọn vào đội bóng của tỉnh đi đá giải học sinh toàn Miền Bắc. Lớn lên, ông cùng anh trai cả Lê Văn Khuyến (đã mất) chơi cho đội bóng Khánh Ninh. Vì giỏi đá bóng, ông Hóa được Xí nghiệp chiếu cói xuất khẩu Kim Sơn lấy về xây dựng đội bóng ở đây. Cũng vì đá bóng giỏi mà ông đã làm say lòng một thiếu nữ thị trấn Phát Diệm - bà Hoàng Thị Toàn, vị hiền thê của ông hiện tại.
Trong câu chuyện với bà Toàn tôi cảm nhận được anh mắt lấp lánh của bà khi nhớ về bóng đá, nhớ về "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" của hai ông mụ.
Vậy là trong câu chuyện chung về huyền thoại đội bóng Khánh Ninh người viết còn biết thêm một huyền thoại về tình yêu giữa một thiếu nữ và một cầu thủ. Dù nay ông đã bước qua tuổi 74, cuộc sống gia đình viên mãn của hai ông bà Hóa -Toàn một lần nữa khiến lớp hậu sinh chúng ta thêm ngưỡng mộ. Tình yêu của hai ông bà dành cho nhau cho đội bóng Khánh Ninh đã đi qua năm tháng, thời gian, vượt qua cả giới hạn tuổi tác.
Chung một niềm say mê với các cầu thủ Vì, Hóa thế hệ ấy còn có nhiều danh thủ như: ông Phương, Sự, Tình, Chiêu, Khiếng, Nhiên, Tất, Minh Trong số các cầu thủ đội bóng Khánh Ninh một thời nay kẻ còn người mất. Có người còn sống nay đã lên ông, nên cụ con cháu đầy đàn…
Ông Lê Văn Hóa dù tuổi đã cao những vẫn còn nguyên vẻ tráng kiện của một thời, trong câu chuyện tâm tình với người viết đã kể về những những thời khắc vàng son của đội bóng Khánh Ninh khi từng thi đấu ngang ngửa với nhiều tên tuổi lowbs của bóng đá Ninh Bình như các đội: Thanh niên thị xã, Công an thị xã, Phúc Am, Quảng Lạc, Nông trường Đồng Giao, Chiếu cói Đại Đồng ( Kim Sơn)…Danh tiếng của đội Khánh Ninh "nổi" đến độ có nhiều đội bóng tìm đến thi đấu. Trong số đó phải kể đến các đội Cu Tông Canh (dệt Nam Định), Quân khu 3, Công an Hải Phòng.
Khánh Ninh một đội bóng phong trào của một hợp tác xã mà thi đấu ngang ngửa với các đội bóng cấp tỉnh, thậm chí đẳng cấp Quốc gia như Công an Hải Phòng hẳn danh tiếng của đội không phải nhỏ.
Ngày nay lớp hậu sinh chúng ta dẫu biết danh tiếng của Khánh Ninh chỉ qua những câu chuyện kể của một vài chứng nhân. Song với chỉ những hiểu biết vẫn còn chưa đầy đủ ấy vẫn khiến chúng ta phải kính cẩn nghiêng mình trước một tượng đài bóng đá "tỉnh Ninh nhà"(Nguyễn Tử Mẫn). Và bài viết như một lời tri ân của lớp hậu sinh với các cầu thủ đã một thời làm nên "màu cờ sắc áo Ninh Bình" với bè bạn.
Mai Phương
Kỳ I: Chuyện về một danh thủ chơi bóng qua hai chế độ