Kỳ I: Chuyện về một danh thủ chơi bóng qua hai chế độ Nói về lịch sử đội bóng Khánh Ninh, nhiều người không hiểu chuyện vẫn lầm tưởng rằng chỉ đến thời hiện đại tên tuổi của đội bóng đất Yên Khánh này mới nổi danh. Thực ra, đất này từ thời xa xưa đã sản sinh nhiều cầu thủ nổi tiếng. Có thể lấy câu chuyện về cầu thủ Lê Văn Niệm làm một ví dụ.
Cụ Lê Văn Niệm sinh năm 1923, đến năm 1991 cụ mới "cưỡi hạc về trời". Thuở tráng niên, cụ Niệm là một người hay chữ, năm 1945 đất nước độc lập, cụ Niệm giữ chức Phó Chủ tịch huyện, kiêm Trưởng ban Liêm phóng. Cũng có thời điểm cụ làm tại nhà in Ninh Bình, Huyện đoàn thanh niên Gia Khánh... Nhưng có lẽ điều khiến người ta nhớ nhất về cụ Niệm chính là ở chỗ cụ từng là cầu thủ bóng đá. Cầu thủ Lê Văn Niệm chơi bóng từ thời Pháp. Cùng thời với cụ, đất Yên Khánh còn có các danh thủ tên Bạ, Dinh, Táng. Thuở ấy những người chơi bóng không nhiều, nên tên tuổi của các cầu thủ này được nhiều người yêu bóng đá nhớ mãi. Cũng vì là cầu thủ nổi tiếng mà sau năm 54, khi phong trào bóng đá phát triển cụ Niệm được vời ra làm huấn luyện viên cho đội bóng mới của một hợp tác xã, mà sau này trở nên một tên tuổi lớn: đội bóng Khánh Ninh. Cụ Niệm chính là người khai sinh ra đội bóng và đảm trách cương vị huấn luyện viên đầu tiên. Gia đình cụ Niệm, có thể nói là một gia đình thể thao. Ngày ấy, không phải chỉ cụ Niệm tham gia huấn luyện đội bóng Khánh Ninh, mà hai người con của cụ cũng tham gia vào đội bóng này.
Khi nói về điều này tưởng cũng nên nói thêm một chút về phong trào bóng đá thời bấy giờ. Sau 1954, Pháp rút, miền Bắc giải phóng. Sau đó là cải cách ruộng đất, rồi phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Trong bối cảnh ấy phong trào thể thao cũng được dịp "trăm hoa đua nở". Huyện Yên Khánh bấy giờ nổi tiếng bởi có phong trào bóng đá mạnh. Trong đó nổi tiếng nhất là các đội bóng: Khánh Ninh, Khánh Hòa, Khánh Nhạc, Khánh An. Mỗi giải đấu bóng đá bấy giờ tại sân vận động huyện luôn chật ních người xem. Có những trận đấu, các khán đài người xem chật như nêm cối. Có khi người dân từ các xã trên cuốc bộ, hay ngồi xe bò cải tiến kẽo cà kẽo kẹt, rồng rắn kéo nhau lên huyện cổ vũ cho đội nhà. Ông Nguyễn Văn Vì (khu phố 3, thị trấn Yên Ninh), một cầu thủ của đội bóng Khánh Ninh, nay đã 76 tuổi, bồi hồi nhớ lại: "Dạo ấy tôi là cầu thủ của đội Khánh Ninh, vừa đá bóng vừa làm nghề xe thồ, cứ có giải đấu thì hợp tác xã lại gọi về đá bóng. Mỗi bận thi đấu tại sân của huyện người dân đến xem rất đông. Những trận căng nhất là trận có hai đội Khánh Hòa và Khánh Ninh gặp nhau".
Anh Nguyễn Văn Chanh, con cả cụ Vì, tủm tỉm cười khi nhớ về những kỷ niệm những lần theo cha lên thị xã Ninh Bình đá giải. Sau giải đấu, dù thua hay thắng anh vẫn được cha cho vào cửa hàng Tổng Hợp (gần bến xe khách Ninh Bình) uống một cốc Si-rô, ăn vài que kem. ở thế hệ anh Chanh, được lên thị xã, thưởng thức kem ở cửa hàng Tổng Hợp là niềm mơ ước của nhiều cô, cậu bé. Anh Chanh giữ mãi kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào ấy, dù năm nay anh cũng đã qua tuổi 48. Anh còn kể thêm chuyện có lần mê bóng nên bám vào thùng chiếc xe Gát lên thị xã, đường toàn ổ gà, xe mất lái lật nghiêng, anh Chanh một phen hút chết.
Nhân chuyện xem bóng lại nhớ những trận đấu bóng gần đây khi đội nhà đá trên sân khách, nhiều cổ động viên được câu lạc bộ cho xe, miễn phí vậy mà số lượng đi xem cổ vũ lèo tèo. Xét về tinh thần thể thao so với thế hệ trước đó là điều cũng khiến chúng ta phải ngẫm nghĩ.
Lại nói chuyện cầu thủ Nguyễn Văn Vì, nhân khi vui chuyện, ông Vì còn kể thêm nhiều câu chuyện cảm động về bóng đá thời xưa cũ. Do nhà đông con, tới 6 đứa, ông Vì phải lặn lội lên tận Phú Thọ làm thuê kiếm sống. Đến giải bóng đá, hợp tác xã cho người nhắn tin tìm về. Do là giải lớn nên hợp tác xã "linh động" cho mỗi cầu thủ mấy cân thóc, đem bán để mua giầy. Ông Vì đi làm xa chưa về kịp, các bạn đã mua giày treo sẵn chờ ông về thi đấu. Chuyện tưởng như đùa những lại là sự thật một trăm phần trăm về phong trào bóng đá một thời, thời mà người ta đá bóng vì phong trào, vì sự yêu mến thể thao hồn nhiên. Ông Vì cũng rất vô tư vừa làm nghề xe thồ, kiếm gạo nuôi con vừa đá bóng. Cuộc sống vừa vất vả vừa giản dị! Giản dị như chính tình yêu bóng đá của ông Nguyễn Văn Vì và người dân nơi đây.
Mai Phương (Còn nữa)
Kỳ II: Huyền thoại Khánh Ninh