Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm là bà con xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn) lại tưng bừng tổ chức lễ hội đền Thung Ông. Năm nay, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch COVID-19, cũng như nhiều địa phương khác, xã Gia Hưng không tổ chức lễ hội. Dẫu vậy, với tấm lòng thành kính, tri ân công đức của bậc quân vương có công dẹp loạn 12 sứ quân, gia đình bà Đặng Thị Hợi ở xóm 10 vẫn sửa soạn lễ vật để đi dâng hương, lễ đền. "Được địa phương tuyên truyền thường xuyên nên chúng tôi nhận thức rất rõ nguy cơ mất an toàn ở nơi thờ tự nếu những người đến lễ không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch. Bởi vậy, chúng tôi chủ động thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng như đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn khô và đặc biệt là giữ khoảng cách tối thiểu với mọi người"- bà Hợi chia sẻ.
Ông Nguyễn Khắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Gia Hưng cho biết: Trên địa bàn xã có nhiều đền, chùa, nơi thờ tự. Trong đó, có đền Thung Lau và Thung Lá là nơi thu hút rất đông du khách thập phương hành hương về chiêm bái vào mỗi độ Tết đến, Xuân về. Những năm trước, xã tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng Giêng. Trong lễ hội này, mỗi người đều mong muốn được thành tâm dâng một vật phẩm do chính tay mình làm ra. Đồng thời, lễ hội cũng có nhiều hoạt động sôi nổi mang đậm nét văn hóa truyền thống.
Năm nay, xã Gia Hưng không tổ chức lễ hội. Dẫu đã thành nếp sinh hoạt văn hóa tâm linh truyền thống, là niềm háo hức, chờ mong được trở về trong ngày hội làng của bao người con xa quê, song vì mục tiêu chung tay cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh, nhân dân địa phương và con em xa quê đều rất ủng hộ việc tạm dừng tổ chức lễ hội. Lượng du khách về dâng hương, chiêm bái trong ngày 10 tháng Giêng chỉ còn 1/5 so với những năm trước.
Tuy nhiên, bà con có nhu cầu dâng hương đều có thể đến Đền để hành lễ. Nhưng phải tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch như: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách… Đặc biệt, như những năm trước, người dân thường đến dâng lễ theo dòng họ, thôn, xóm, nhưng năm nay, địa phương yêu cầu người dân không tập trung đông người, thay vào đó là đi lễ riêng lẻ theo hộ gia đình hoặc đại diện nhóm phố. Mặc dù yêu cầu đặt ra khá nghiêm ngặt, nhưng thực tế cho thấy bà con đã chấp hành rất tốt. Xã cũng bố trí lực lượng để nhắc nhở, xử lý kịp thời những trường hợp cố tình vi phạm quy định trong phòng dịch.
Huyện Kim Sơn có hàng chục lễ hội làng, nơi thờ tự. Những ngày đầu xuân mới, lượng du khách về dâng hương tại các nơi thờ tự giảm đáng kể so với những năm trước. Đối với những du khách, người dân có nhu cầu dâng hương tại nơi thờ tự đều thực hiện khá nghiêm túc các quy định trong phòng chống dịch. Ông Phạm Văn Sang, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Kim Sơn cho biết: Để phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân, đồng thời đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng đã thực hiện treo băng rôn, dán thông báo ở khu vực cổng và bên trong các di tích, yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Các địa phương cũng liên tục tuyên truyền trên loa phát thanh trong và ngoài khu vực di tích về nội dung chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức, các lực lượng chức năng của địa phương thường kiểm tra, giám sát và nhắc nhở người dân, du khách đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách khi vào các di tích dâng hương. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 230 lễ hội được tổ chức trong năm, có 150 lễ hội được tổ chức vào dịp đầu Xuân, riêng trong tháng Giêng thì có khoảng 52 lễ hội được tổ chức. Hầu hết, các lễ hội ở tỉnh ta là lễ hội làng. Điểm đặc sắc trong mỗi lễ hội đó là nhiều địa phương đã nâng niu, gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống, trở thành nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền. Ví dụ như, trong các lễ hội làng, huyện Kim Sơn có tổ chức bơi chải; huyện Yên Khánh, Yên Mô tổ chức các chiếu chèo, hát văn, hát xẩm… Ngược lên vùng núi Nho Quan sẽ là các trò chơi bắn cung, bắn nỏ, hát đúm của trai gái dân tộc Mường; còn người dân Hoa Lư thì sôi nổi, hào sảng với nhiều hoạt động lễ hội phong phú, đa dạng… Bởi vậy, hội làng đã trở thành nét đẹp văn hóa, là dịp mà con em địa phương, du khách thập phương chờ đợi, háo hức được hành hương về nguồn cội.
Nhưng trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước thì việc tạm dừng tổ chức các lễ hội đầu năm, đồng thời quy định mọi người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch khi đến dâng hương nơi thờ tự theo đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: "Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế"… cũng là một cách làm hiệu quả để nhân dân Ninh Bình chung tay cùng cả nước sớm ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19.
Bài, ảnh: Đào Hằng