Cán cân xuất khẩu vẫn nghiêng về các doanh nghiệp FDI
Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh thì nhóm hàng dệt may vẫn đứng ngôi đầu, đạt 120,4 triệu USD, chiếm 37,4 tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng còn lại như xi măng và clanhke: 116,8 triệu USD, chiếm 36,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; giày, dép các loại đạt 53,3 triệu USD... Thị trường xuất khẩu tập trung vào các nước: Hoa Kỳ, Băng La Đét, Brazil, Hồng Kông, Đài Loan... Một số công ty có giá trị xuất khẩu tăng cao trong 9 tháng đầu năm như: Công ty TNHH dệt may NienHsing, đạt 39.689 nghìn USD, tăng 65% so với cùng kỳ; Công ty TNHH ADM21 Việt Nam đạt 13.822 nghìn USD, tăng 2,64% so với cùng kỳ; Công ty TNHH giày Adora Việt Nam, đạt 53.354 nghìn USD, tăng 10% so với cùng kỳ...
Đánh giá về tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn, ông Lê Văn Hoan, Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp, Sở Công thương cho biết: Mặc dù trong tình hình kinh tế khó khăn, thị trường trong nước vẫn tiềm ẩn những bất ổn nhưng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì và tăng trưởng khá. Lý giải về vấn đề này ông Lê Văn Hoan cho rằng do các doanh nghiệp FDI được đầu tư bài bản, nguồn vốn lớn, trình độ, năng lực quản lý tốt. Bên cạnh đó các doanh nghiệp FDI hầu hết là các công ty con nằm trong tập đoàn công ty mẹ ở nước ngoài, do đó thị trường ổn định, có nhiều bạn hàng chiến lược.
Doanh nghiệp địa phương vẫn khó khăn
Những tháng đầu năm, trong khi nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đang phải vật lộn với bài toán "tồn kho" thì một số ngành hàng đã tìm thấy "điểm sáng" để phát triển như chế biến nông sản, chế biến cói. Ông Đinh Cao Khuê, Giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: 9 tháng đầu năm, Công ty đã thực hiện gần đạt kế hoạch của cả năm. Mặc dù trong khó khăn nhưng Công ty vẫn tìm kiếm được những bạn hàng mới tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc... Hiện nay, sản phẩm của Công ty sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có hàng tồn kho. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường nước ngoài, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng các vùng nguyên liệu, tìm kiếm các sản phẩm mới có thể xuất khẩu tốt. Cùng với ngành chế biến nông sản thì một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang "ghi điểm" trong cán cân xuất khẩu của tỉnh như: Xí nghiệp thủ công mỹ nghệ Đổi mới (Kim Sơn); Công ty TNHH XNK thủ công mỹ nghệ Đông Thành; Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu The Vissai.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp địa phương có tổng giá trị xuất khẩu cao lại tập trung vào các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng + clanhke với 116,8 triệu USD, chiếm 36,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy, cơ cấu xuất khẩu trong 9 tháng qua đã có sự chuyển dịch. Nhóm hàng công nghiệp nặng và khai khoáng tăng tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ninh Bình lại giảm đi rất nhiều như thêu ren, may mặc…
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu may mặc, đại diện Công ty may Vạn Xuân cũng cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp may giảm mạnh vài năm gần đây là do các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủng loại sản phẩm và số lượng ít…Vì vậy, việc tiếp cận thị trường tiêu thụ còn nhiều hạn chế, bị bạn hàng ép giá… nhiều doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng mà không dám sản xuất.
Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Trong khi Nhà nước có chủ trương giảm xuất khẩu thô nhưng giá trị xuất khẩu hàng hóa thô lại tăng lên, xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản được tỉnh đánh giá cao, nhưng gần đây là xẹp hẳn xuống là điều đáng quan tâm.
Theo đánh giá của Sở Công thương, mặt hàng clanhke xuất khẩu trong thời gian này chỉ là giải pháp tạm thời bởi trong điều kiện hiện nay khi công suất thiết kế của các nhà máy xi măng trên địa bàn lớn mà nhu cầu tiêu thụ trong nước hạn chế nên buộc các doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới. Do đó, trong thời gian tới, điều quan trọng nhất phải xuất khẩu được các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, không nên tập trung vào những mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu cao.
Phân tích cụ thể về tương quan giữa cán cân xuất khẩu của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp địa phương, đồng chí Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Việc các doanh nghiệp FDI nổi trội hơn hẳn trong tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ta cho thấy thị trường trong nước chưa ổn định và thị trường xuất khẩu của Ninh Bình vẫn chưa mang tính bền vững.
Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI có lợi thế rất lớn, đó là phía sau các doanh nghiệp FDI là các tập đoàn lớn, các công ty mẹ khổng lồ, nhờ đó sản phẩm của họ có thể "ăn'' sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa làm tốt được điều này. Hơn nữa, doanh nghiệp FDI lại được hưởng nhiều ưu đãi về thuế trong khi doanh nghiệp nội lại không thể tiếp cận được vốn ngân hàng hoặc phải chịu mức lãi suất quá cao. Đồng chí Phạm Thị Hồng cũng kiến nghị: Để gỡ bí cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, Chính phủ cần xem xét, tháo gỡ khó khăn về vốn vay và lãi suất cho doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước kéo dài việc gia hạn vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Nguyễn Thơm