Ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị đã ra Quyết định số 217 về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Trong đó nêu rõ: Giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội...
Để thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị, ngày 13-3-2014 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Công văn số 1625-CV/TU và ngày 28-7-2014 ủy ban MTTQ tỉnh có Hướng dẫn số 01/HD-MTTQ về thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội. Đối tượng của hoạt động giám sát là hoạt động của các tổ chức Đảng và đảng viên; HĐND, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc; hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng khác; hoạt động của đại biểu Quốc hội ở địa phương, đại biểu HĐND các cấp; cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp.
Nội dung giám sát là việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức Đảng, của HĐND, UBND các cấp... việc hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao, về phẩm chất chính trị đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức...
Đối tượng phản biện xã hội là các dự thảo văn bản về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước và chính quyền các cấp khi được yêu cầu phản biện, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Để việc giám sát, phản biện xã hội thực sự đi vào cuộc sống cần phải nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Việc giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội, nhưng không coi việc giám sát, phản biện đơn thuần chỉ là trừ ra mặt trái, là phản đối, chống lại mà giám sát, phản biện là tìm ra mặt trái để làm sáng hơn cho mặt phải; tìm ra mặt còn hạn chế để hoàn thiện hơn cho mặt đúng, mặt tích cực. Như vậy giám sát, phản biện có cả phản đối, có cả đồng tình, có sự chấp nhận, sự bổ sung cho tốt hơn, tối ưu hơn. Phản biện phải trên tinh thần xây dựng chứ không phải để xóa bỏ, phủ nhận.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện, các cấp ủy, chính quyền cần chú trọng việc nâng cao nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội đạt hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, muốn việc giám sát, phản biện xã hội thực sự đi vào cuộc sống MTTQ phải nâng cao hơn nữa vai trò dẫn đầu đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận (nhất là ở cơ sở) phải có trình độ nhất định, ngoài nhiệt tình công tác cần có sự hiểu biết, khả năng phân tích, tổng hợp thông tin để biết được thông tin nào là đúng, là của đa số người dân, thông tin nào không chính xác, là của số ít người.
Một yếu tố quan trọng nữa là việc giám sát, phản biện xã hội phải là nhiệm vụ của toàn dân, càng có nhiều người tham gia càng có điều kiện tìm ra được các ý kiến sắc sảo, có tính thuyết phục cao và đại diện cho nguyện vọng của số đông người dân. Có thể giám sát, phản biện trực tiếp qua thực hiện tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp, có thể thực hiện thông qua cơ chế người đại diện của nhân dân nói lên suy nghĩ, tiếng nói của nhân dân.
Đỗ Bằng