Trong bầu không khí thân mật, chân tình và thẳng thắn có thể nói, buổi gặp mặt như một sự "tiếp sức" cho văn học nghệ thuật phát triển trong thời kỳ mới. Sự "tiếp sức" ấy không chỉ về vật chất mà quan trọng hơn đã làm cho các văn nghệ sỹ tỉnh nhà có thêm sự quyết tâm để sáng tác, cống hiến.
Những năm gần đây, hoạt động văn học nghệ thuật của Ninh Bình luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc, thiết thực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Tuy nhiên để tổ chức một buổi gặp mặt long trọng, ấm cúng và chân tình giữa các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các văn nghệ sỹ thì có thể nói đây là lần đầu tiên. Các văn nghệ sỹ, đại diện cho các bộ môn đã có những tâm sự sâu sắc, thể hiện tình cảm gắn bó, trách nhiệm với quê hương, con người Ninh Bình. Đồng thời thể hiện quyết tâm sáng tác để có những tác phẩm được đông đảo công chúng đón nhận. Nhiều văn nghệ sỹ xúc động khi nhận được giấy mời gặp mặt.
Ông Đăng Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn Hóa, hội viên bộ môn sân khấu, bầy tỏ tình cảm: "Đây là lần đầu tiên Thường trực Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt văn nghệ sỹ, chứng tỏ sự quan tâm của Tỉnh ủy không chỉ đến văn học nghệ thuật mà còn quan tâm đến đời sống của văn nghệ sỹ. Chính điều này đã thúc đẩy chúng tôi yêu nghề hơn, dồn lực cho sáng tác để có những tác phẩm xứng đáng với sự tin tưởng mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh giao phó".
Cùng quan điểm, suy nghĩ như ông Đăng Thanh, ông Ngọc Cương bộc bạch: Nhận được giấy mời, thực sự tôi vừa mừng, vừa lo. Là một người dân bình thường được thường trực Tỉnh ủy mời lên để lắng nghe chúng tôi nói, tôi cảm thấy rất tự hào. Nhưng bên cạnh sự mừng vui tôi cũng lo lắng không ít, lo là làm gì để xứng đáng với sự ưu ái này. Nếu nhận sự quan tâm, ưu ái mà chúng tôi không làm được gì thì chúng tôi có lỗi với Tỉnh ủy, với nhân dân.
Ông mong rằng tỉnh tạo điều kiện để các văn nghệ sỹ có điều kiện đi tham quan, tìm hiểu những điểm du lịch, những công trình lớn trong tỉnh, tổ chức những trại sáng tác, tạo điều kiện để đưa tác phẩm nghệ thuật để đến với công chúng nhiều hơn.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, nhà văn Kao Sơn, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho rằng: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh lắng nghe ý kiến anh em văn nghệ sỹ về những vấn đề bức xúc của xã hội thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đó là niềm vinh dự cho giới văn nghệ sỹ của tỉnh nhà. Sự đầu tư thiết thực của tỉnh cho anh em văn nghệ sỹ chứng tỏ lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến đời sống của mọi người, tạo điều kiện để các văn nghệ sỹ không quá bận tâm đến "cơm, áo, gạo, tiền" để tập trung cho sáng tác.
Văn học, nghệ thuật không thể là sản phẩm "nhất thời", vì vậy muốn có một tác phẩm thực sự đi vào lòng người, có tầm tư tưởng, thẩm mỹ cao, đôi khi người nghệ sỹ phải mất cả cuộc đời. Vậy nên chăng sự đầu tư ấy chỉ dừng lại ở góc độ khuyến khích, động viên tác giả chứ không nên giới hạn thời gian để bắt buộc nhà văn phải có những tác phẩm "chín ép". Bên cạnh đó, để có những tác phẩm "lớn" thì cần phải có một cơ chế quản lý VHNT một cách mềm dẻo, chuyên nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để văn nghệ sỹ sáng tác.
Nhiều ý kiến của các văn nghệ sỹ như nhà nghiên cứu Trương Đình Tưởng, Giám đốc Công ty Điện ảnh; nghệ sỹ nhiếp ảnh Tuấn Hải; nhạc sỹ Mai Công Thắng lại tập trung vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa của Ninh Bình thông qua những "việc cần làm ngay" đó là: Nên tổ chức một buổi hội thảo về danh nhân đất nước, con người Ninh Bình; xây dựng Đền thờ Lý Công Uẩn, đây là yếu tố khẳng định Ninh Bình từng là Kinh đô của 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý; Nên xây dựng tủ sách quê hương ; có chế tài giữ gìn các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của quê hương; xây dựng tượng đài Trương Hán Siêu; dậy những bài hát về quê hương Ninh Bình cho học sinh phổ thông, phát động sáng tác những bài hát về quê hương; triển lãm ảnh nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội…
Qua ý kiến của các văn nghệ sỹ, đồng chí Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã bày tỏ quan điểm về việc đầu tư cho văn nghệ sỹ. Đồng chí nói: Chúng ta nên đầu tư, nhưng phải đầu tư như thế nào để văn nghệ sỹ không lo về miếng cơm manh áo, nhưng không phải là tạo sức ép cho văn nghệ sỹ. Như vậy, trước khi đầu tư hay mở các trại sáng tác, nên có kế hoạch cụ thể, đầu tư có trọng tâm, lâu dài cho những văn nghệ sỹ đã có những ý tưởng về tác phẩm.
Đồng chí Tạ Nhật Thới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Lãnh đạo tỉnh và văn nghệ sỹ đều "nặng nợ" với Ninh Bình, vì vậy để có những tác phẩm hay, để đời thì không chỉ là sự cố gắng, đôi khi phải hy sinh những cái riêng tư của các văn nghệ sỹ mà còn cần có sự cố gắng chung của toàn tỉnh. Tuy nhiên để có một cơ chế đầu tư lâu dài thì cần phải xây dựng một lộ trình, trên cơ sở Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. UBND tỉnh trình kế hoạch lên HĐND tỉnh mới có đầy đủ cơ sở pháp lý để chúng ta đầu tư cho văn học nghệ thuật một cách lâu dài và hiệu quả..
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Đinh Văn Hùng, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn của các văn, nghệ sỹ. Đồng chí ghi nhận những công lao, đóng góp của văn nghệ sỹ Ninh Bình. Trong thời gian qua, nhiều người đã có những tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng công chúng, tạo được những hiệu ứng xã hội tốt.
Đồng chí mong rằng, các văn, nghệ sỹ hãy bám sát chủ trương của Đảng, trên tinh thần thẳng thắn, sáng tác nhiều hơn nữa những tác phẩm gần gũi với cuộc sống hiện tại, phản ánh đúng sự thật để góp ý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh trong thực tế đời sống hiện nay. Bên cạnh đó cũng rất cần có những tác phẩm có sức nặng trong công tác tuyên truyền, cổ vũ những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đạt được. Điều này chính là thể hiện rõ tính Đảng trong VHNT.
Đồng chí đề nghị, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch dài hơi, theo các lộ trình, từng bước phát triển VHNT tỉnh nhà. Trước mắt cần lập kế hoạch tổ chức cho các văn nghệ sỹ đi thực tế, mở trại sáng tác, trưng bày, triển lãm. Các văn nghệ sỹ, hãy sáng tác bằng cái tâm của mình, tạo một không khí đoàn kết, tất cả vì mục tiêu chung.
Buổi gặp mặt đầu năm của Thường trực Tỉnh ủy với các văn nghệ sỹ đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh với văn học nghệ thuật. Đây cũng là dịp để động viên, lắng nghe ý kiến của văn nghệ sỹ, cùng nhau trao đổi một số nội dung định hướng trong sáng tạo các tác phẩm VHNT nhằm nâng cao chất lượng và phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị và sự phát triển kinh tế - xã hội, phát huy bản sắc văn hóa quê hương Ninh Bình trong những năm tới, nhất là hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chào mừng Đại hội Đảng các cấp (2010-2015).
Linh Nhi