Vào thời điểm này những năm trước, giá ngao khá cao, trên 30.000 đồng/kg chủ yếu là ngao Thanh Hóa. Năm nay, ngao được bày bán khá nhiều tại các chợ. Điều làm nhiều người ngạc nhiên là giá ngao chỉ còn 15.000- 17.000 đồng/kg và được giới thiệu là ngao Kim Sơn.
Chị Nguyễn Thị Thanh, một người bán hàng ngao đến từ Kim Đông (Kim Sơn) cho biết: Ban đầu khi mang ngao bán tại chợ thành phố, cũng thấy những người bán ngao Thanh Hóa đưa ra lý do ngao Thanh Hóa ngon hơn nên giá cao hơn, tôi thấy nhiều khách hàng tin, mua. Nhưng rồi qua vài lần mua thử ngao Kim Sơn, số khách hàng mua ngao của tôi tăng dần vì họ thấy chất lượng đảm bảo mà giá lại rẻ. Để giới thiệu sản phẩm ngao Kim Sơn, dù ngồi bán tại chợ nhỏ nhưng tôi đã làm một tấm biển ghi rõ nơi sản xuất ngao, giá tiền... để người đi chợ tiện theo dõi. Giờ thì tại chợ tôi ngồi bán, ngao Kim Sơn đã được nhiều người nội trợ tin dùng và mỗi ngày gia đình tôi bán được vài chục kg ngao...
Những năm gần đây, cùng với một số loại thủy hải sản được đưa vào nuôi trồng tại Kim Sơn như: tôm, cá, cua... con ngao còn được đưa vào nuôi trồng. Và nhận thấy vùng bãi bồi Kim Sơn có nhiều ưu thế để phát triển loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ này. Từ các mô hình thử nghiệm ban đầu, đến năm 2012, sản lượng ngao của huyện Kim Sơn đã đạt trên 12.000 tấn (chiếm 60% tổng sản lượng thủy hải sản của huyện).
Để giám sát chất lượng ngao nuôi, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản phối hợp với các địa phương có vùng nuôi nhuyễn thể tổ chức việc điều tra khảo sát xây dựng kế hoạch kiểm soát, các điểm lấy mẫu mang tính đại diện và tổ chức thực hiện việc kiểm soát theo đúng quy định.
Sau mỗi đợt thu hoạch căn cứ vào thông báo kết quả phân tích các chỉ tiêu đảm bảo an toàn vệ sinh vùng thu hoạch, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã kịp thời tiếp nhận và xử lý các kết quả phân tích, báo cáo kết quả về Ban chỉ đạo và thông báo cho các cơ sở về chế độ thu hoạch và giám sát thu hoạch trong toàn tỉnh. Kết quả phân tích các chỉ tiêu an toàn vệ sinh vùng thu hoạch đều không phát hiện dịch bệnh hoặc phát hiện nhưng nằm trong ngưỡng cho phép. Năm 2012, các Ban giám sát tại các vùng thu hoạch đã giám sát và cấp 18 giấy chứng nhận xuất xứ cho 450 tấn nguyên liệu ngao cung cấp cho nhà máy ở các tỉnh, thành phố miền Trung và Nam Bộ, và các lô xuất vào siêu thị tại Hà Nội, Hải Phòng.
Một trong những chiến lược của tỉnh để phát triển sản phẩm ngao Kim Sơn là hỗ trợ xây dựng thương hiệu để sản phẩm được nâng cao vị thế trên thị trường, thúc đẩy quá trình lưu thông, nâng cao giá trị sản phẩm. Chính vì thế, ngao Kim Sơn là một trong hai sản phẩm đầu tiên được UBND tỉnh lựa chọn hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận. Đây là tín hiệu tích cực, tạo lực đẩy để xây dựng và khẳng định thương hiệu ngao Kim Sơn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xúc tiến thương mại.
Với kết quả giám sát chất lượng hàng năm, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã kiến nghị với Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản sớm đưa vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảng vỏ Kim Sơn được xuất khẩu vào thị trường EU và tương đương. Tuy nhiên, theo các cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản: Các hộ nuôi ngao, các đại lý thu mua nguyên liệu chưa có ý thức trong việc chấp hành chủ trương cấp giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc; vùng sản xuất an toàn chưa được quan tâm cao; còn chậm trễ trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm… là những nguyên nhân sản phẩm ngao Kim Sơn chưa vào được những thị trường lớn.
Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch vùng nuôi, xây dựng cơ sở sản xuất giống cung cấp cho các vùng nuôi trong tỉnh, công tác kiểm soát chất lượng các vùng nuôi… cũng đang đặt ra yêu cầu bức thiết cho địa phương và các ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa và đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa để ngao Kim Sơn từng bước chinh phục thị trường trong nước và quốc tế …
Bùi Diệu