Bệnh phát triển nhanh và thể hiện rõ từ đầu tháng 9 đến trung tuần tháng 9-2009 ở giai đoạn lúa đang có đòng già đến trỗ bông mà biểu hiện cụ thể là đòng nhỏ, lúa khó trỗ và trỗ không thoát. Bệnh xuất hiện rải rác ở các huyện, thành phố, thị xã, nhưng tập trung hại nặng trên diện rộng ở huyện Kim Sơn, thị xã Tam Điệp. Tổng hợp kết quả điều tra, kiểm tra của Chi cục BVTV tỉnh cho biết, diện tích lúa mùa trên địa bàn tỉnh bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là 916,4 ha, trong đó có 369,5 ha bị nhiễm nặng. Một số diện tích ngô đông, giai đoạn từ 3-4 lá, rõ nhất khi ngô 7-8 lá ở các giống ngô ngọt, ngô nếp thuộc các HTX của huyện Yên Mô, Yên Khánh đã nhiễm bệnh với tổng diện tích nhiễm là 23 ha, trong đó có 2 ha bị nặng.
Theo các chuyên viên của Trung tâm Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV - Bộ Nông nghiệp & PTNT), điểm giống nhau của các loại bệnh trên là tác nhân gây ra các bệnh trên đều do vi rút. Các vi rút này đều không lây truyền bệnh qua hạt giống, không lây truyền qua tiếp xúc cơ học và vết thương cơ giới. Vi rút được truyền bởi côn trùng môi giới là rầy nâu, rầy nâu nhỏ và rầy lưng trắng theo phương thức bền vững. Khi côn trùng chính hút nhựa cây thì chúng truyền vi rút có trong mình vào và sau đó gây bệnh.
Phòng, chống các loại bệnh trên phải áp dụng một loạt các biện pháp tổng hợp, trong đó thực hiện chương trình IPM một cách triệt để là biện pháp tốt nhất, nhằm quản lý, khống chế và diệt trừ môi giới truyền bệnh. Sử dụng các giống lúa kháng rầy, lúa có năng suất, chất lượng cao. Mật độ lúa cấy phải hợp lý, bón phân cân đối, không bón thừa đạm, áp dụng chương trình 3 giảm - 3 tăng. Có biện pháp bảo vệ tốt các loài thiên địch của rầy bằng việc không phun thuốc hóa học bừa bãi, thực hiện phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng (đúng loại thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách). Tổ chức thăm đồng thường xuyên, đặc biệt chú ý tới những khu ruộng vụ trước là ổ dịch rầy.
Bảo vệ cây lúa ở giai đoạn non, chống xâm nhập và truyền bệnh của rầy. Khi đồng ruộng có dịch, thực hiện chống phải đồng loạt cả vùng có dịch và vùng phụ cận. Sử dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp để khống chế dịch bệnh: Vệ sinh đồng ruộng, cày đất lật gốc rạ trên những ruộng bị bệnh; thu dọn tàn dư trên ruộng bị bệnh (gốc rạ, cỏ, cây) trong ruộng và xung quanh bờ đốt, tiêu hủy. Nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh nơi mới nhiễm, nhất là ở ruộng lúa còn non có tỷ lệ 10% số khóm bị bệnh.
Thiết lập hệ thống bẫy đèn theo dõi, xác định thời kỳ cao điểm của các loại rầy, giám định kịp thời để có biện pháp quản lý hữu hiệu. Thường xuyên thăm đồng phát hiện phun trừ rầy nâu và rầy các loại, có biện pháp xử lý bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen phương nam kịp thời. Tạo điều kiện cho cây trồng khỏe, có khả năng chống chịu với rầy và bệnh. Với tính chất nguy hiểm và chiều hướng gia tăng bùng phát của các loại bệnh này, trong các vụ sản xuất tới các địa phương cần quan tâm đề phòng.
Đinh Chúc