Tuy vậy, thực tế để đáp ứng được yêu cầu thì các trường dạy nghề vẫn rất cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Nếu như năm 1998, cả tỉnh chỉ có 8 cơ sở dạy nghề thì đến nay toàn tỉnh đã có 58 trường, trung tâm, cơ sở đào tạo và dạy nghề. Đi đôi với việc tăng nhanh về số lượng, quy mô đào tạo và cấp bậc đào tạo cũng được chú trọng nâng cao. Năm 2008, các cơ sở đã đào tạo cho trên 25.000 người với các ngành nghề chính như: Máy may, sửa chữa ôtô, xe máy, cơ khí, điện dân dụng, thêu ren..., nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 29%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 24% (tăng 12% so với năm 2002).
Trên cơ sở tập trung triển khai thực hiện quy hoạch và Đề án 08 của UBND tỉnh về "công tác đào tạo nghề đến năm 2010, định hướng đến năm 2015", hệ thống trường, lớp cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát triển và mở rộng, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu học nghề của người lao động.Xu hướng dạy nghề hiện nay là đào tạo nghề gắn với sản xuất và giải quyết việc làm tại chỗ. Với phương thức này, học viên được tiếp xúc, thực hành trên máy móc, công nghệ hiện đại để vừa có tay nghề cao, vừa có thể tự tìm cũng như tự tạo việc làm cho mình một cách dễ dàng hơn. Đặc biệt những năm gần đây, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số, phụ nữ và lao động là người tàn tật, góp phần tạo sự chuyển biến về cơ cấu lao động ở nông thôn, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp.
Dạy nghề may tại Trung tâm hỗ trợ DN &PTVL cho người tàn tật Ninh Bình..
Năm 2008, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 17.200 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 3,8%; tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn đạt 77,5%. Thực tế cho thấy, tuy số cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tăng lên nhưng việc đa dạng hóa ngành nghề đào tạo lại ít được chú trọng. Các cơ sở chủ yếu đào tạo ngắn hạn các nghề như: May công nghiệp, điện dân dụng, thêu ren... chứ chưa thực sự đầu tư có chiều sâu để đào tạo nghề bậc cao như: Bảo dưỡng, sửa chữa, lắp ráp các thiết bị chính xác, các nghề thuộc lĩnh vực tự động hóa, du lịch...
Ông Vũ Xuân Phong, Trưởng phòng Quản lý đào tạo nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Các cơ sở dạy nghề của tỉnh còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều; kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng cho các cơ sở dạy nghề còn hạn chế; đội ngũ giáo viên còn thiếu, đa phần là kiêm nhiệm, chắp vá; giáo trình, chương trình dạy nghề của các cơ sở phần lớn là "tự biên, tự diễn", chưa thống nhất, chậm đổi mới; trang thiết bị phục vụ cho dạy và học nghề còn thiếu, còn lạc hậu.
Trong khi đó, nhận thức về lập thân, lập nghiệp của nhiều phụ huynh và học sinh cũng chưa thay đổi: Học xong THPT phải vào đại học, cao đẳng cho dù không phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của mình. Chính vì vậy, tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" vẫn còn tồn tại, học sinh không mấy mặn mà với các trường dạy nghề. Theo dự báo của ngành chức năng, nhu cầu nhân lực của Ninh Bình từ nay đến năm 2010 cần 100 nghìn người có tay nghề làm việc trong các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch, lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp... Trong đó, trình độ sơ cấp nghề là 70 nghìn người; trung cấp nghề là 22.500 người và cao đẳng nghề là 7.500 người.
Một số nghề có nhu cầu sử dụng lao động là: Cơ khí chế tạo, các nghề kỹ thuật khác là 19 nghìn người; du lịch - dịch vụ, chế biến 18 nghìn người; nông - lâm - ngư nghiệp 15.500 người... Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là các cơ sở dạy nghề của tỉnh có đủ điều kiện để đào tạo đáp ứng được những nhu cầu trên hay không? Tìm hiểu thực tế tại Trường Trung cấp tư thục dạy nghề mỹ nghệ, xây dựng, cơ khí Thanh Bình (thành phố Ninh Bình), một trong những đơn vị đã bám sát chủ trương đào tạo nghề của tỉnh, chúng tôi được biết: Thời gian qua, Trường đã có nhiều sáng tạo trong việc liên kết với các trường đại học, cao đẳng ở Nam Định, Hà Nội để mở nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn, nâng cao kiến thức cho nông dân.
Theo bà Ninh Thị Tằm, Hiệu trưởng nhà trường thì hiện nay, cơ sở đang gặp nhiều khó khăn, đó là: Để đáp ứng mục tiêu đào tạo cho 500-600 người trong một năm về các lĩnh vực như: Du lịch, mỹ thuật, chăn nuôi, xây dựng..., Trường đã huy động tối đa nguồn lực đầu tư xây dựng 2 lớp học, 3 xưởng thực hành và nhà điều hành. Nhưng so với yêu cầu thì với cơ sở hiện tại còn khá khiêm tốn, nhất là xưởng thực hành. Hiện tại, Trường chưa có ký túc xá đáp ứng nhu cầu cho học viên ở xa, nên Trường đã phải về các địa phương có đông người học nghề để tổ chức đào tạo. Do đó, để lớp học thành công, Trường rất cần sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương về địa điểm, đường điện chiếu sáng...
Cũng giống như Trường Trung cấp tư thục dạy nghề mỹ nghệ, xây dựng, cơ khí Thanh Bình, Trung tâm dạy nghề thị xã Tam Điệp đang gặp nhiều trở ngại. Trung tâm có quyết định thành lập từ tháng 6-2006 nhưng mãi đến tháng 4-2008 mới chính thức đi vào hoạt động vì lý do mới chỉ thành lập được "bộ khung", nhân lực gồm 3 người, trụ sở làm việc chưa được xây dựng. Mặc dù vậy, ngay sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm đã nỗ lực liên kết với Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã mở được 4 lớp Tin học trình độ A, B cho 127 học viên; phối hợp với Hội Nông dân thị xã tổ chức 1 lớp kỹ thuật trồng củ Hoài Sơn cho 42 học viên là nông dân phường Bắc Sơn. Mô hình Trung tâm dạy nghề ra đời bắt đầu đáp ứng được nhu cầu học nghề của nhiều đối tượng có nhu cầu học nghề, nhất là nông dân và những người nghèo trên địa bàn thị xã. Được biết, hiện Trung tâm đã được xây dựng trụ sở tại phường Tân Bình gồm dãy nhà cao tầng với 6 phòng học, 1 phòng hội trường và 3 phòng điều hành cùng một số công trình phụ trợ khác. Khi công trình hoàn thành sẽ phục vụ tốt hơn công tác điều hành cũng như việc giảng dạy của đơn vị. Nhưng khó khăn lớn nhất của Trung tâm là làm thế nào để có được một đội ngũ cán bộ, giáo viên ổn định (không phải thuê giáo viên thỉnh giảng). Bên cạnh đó, Trung tâm cũng rất cần sự hợp tác tích cực của các tổ chức đoàn thể, nhất là các doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo nghề nhằm thực hiện phương châm đào tạo gắn với giải quyết việc làm...
Như vậy có thể thấy, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ sở đào tạo nghề thì các đơn vị vẫn rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của ngành chức năng, của chính quyền sở tại, có như vậy mới tạo bước tiến rõ rệt cho công tác dạy nghề, đáp ứng yêu cầu tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Đức Nghĩa