Chúng hoạt động có tổ chức và khá trắng trợn. Một anh bạn tôi kể lại, cách đây không lâu, trên chuyến xe khách Ninh Bình - Hà Nội, nhân viên xe khách phát hiện có người bị móc túi liền đuổi kẻ cắp xuống xe và vài ngày sau nhân viên đó bị "dằn mặt" bằng một trận đòn nhừ tử. Nhiều xe khách đã bị bọn lưu manh ném đá vỡ kính. Cả nhân viên lẫn lái xe đều bị bọn chúng "lên danh sách" để trả thù vì dám cản trở việc làm ăn của chúng. Theo nhiều người cho biết thì hầu hết nhân viên trên các xe khách và cả lái xe đều biết mặt bọn chuyên móc túi nhưng vì sợ chúng "dằn mặt" nên không dám tố giác. Các xe khách đã dán chữ "cảnh giác với việc bị móc túi" hoặc "hành khách đi xe cẩn thận tiền bạc, điện thoại để tránh kẻ gian "lấy cắp", nhưng những dòng chữ đó liên tục bị kẻ gian thừa cơ xé mất. Có lần, hành khách đi xe bắt được tận tay tên móc túi và yêu cầu lái xe chở ngay đến đồn công an để giao nộp. Tuy nhiên, chỉ vài hôm sau tên này lại xuất hiện trên xe và dùng lời lẽ giang hồ để hăm dọa những ai dám chỉ điểm chúng.
Không những trên các tuyến xe khách có hiện tượng trộm cắp khá công khai mà ngay ở các làng, xóm cũng có nhiều trường hợp bọn trộm cắp công khai bắt trộm gà, chó, mèo... của dân, nhiều người nhìn thấy nhưng cũng không dám tố giác vì sợ bọn chúng trả thù. Có cả trường hợp người dân thấy kẻ gian phá cửa nhà khác nhưng cũng không dám tố giác. Chính vì thế nên trộm cắp, móc túi và bọn tội phạm trở nên liều lĩnh hơn.
Để người dân tích cực tham gia tố giác, tấn công trấn áp tội phạm thì cần làm tốt công tác tuyên truyền để người ngay không còn sợ kẻ gian. Mặt khác, chính quyền các cấp, lực lượng công an cần có những biện pháp bảo vệ người dũng cảm tố giác tội phạm, không để bọn tội phạm có cơ hội "dằn mặt" người tố giác. Những trường hợp dũng cảm đấu tranh với tội phạm cần được biểu dương và khen thưởng kịp thời. Ngoài ra, cũng cần có chế tài hợp lý, đủ sức để răn đe, không để kẻ gian lộng hành.
M.D