Phóng viên (PV): "Đến hẹn lại lên", cứ đến Rằm tháng Giêng hàng năm "Ngày thơ Việt Nam" lại được tổ chức rộng khắp ở các địa phương trong cả nước. Xin ông cho biết ý nghĩa của việc tổ chức "Ngày thơ Việt Nam"?
Nhà thơ Lâm Xuân Vi: Để thể hiện ý tưởng, mong muốn và nguyện vọng của các nhà thơ Việt Nam cũng như đông đảo công chúng yêu thơ, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương, ngày 26-12-2002, tại kỳ họp thứ 8, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 6) đã quyết định tổ chức Ngày thơ Việt Nam.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức vào đầu xuân, ngày rằm tháng Giêng năm Quý Mùi - 2003 trong phạm vi 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, do Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố chủ trì. Tại Hà Nội, Ngày thơ Việt Nam đầu tiên được tổ chức long trọng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, thu hút hàng vạn người tham gia.
Còn ngày thơ cả nước được chọn vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm xuất phát từ lý do: Đây là ngày mà cách đây 66 năm, nhân dịp Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (1948) trên dòng sông tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã viết bài thơ Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng).
Đã 11 năm qua, Ngày thơ Việt Nam ở Hà Nội cũng như ở các địa phương đều mở đầu phần lễ bằng giới thiệu bài thơ Nguyên Tiêu của Bác thật trang trọng, rồi tiếp theo là thơ của các thi nhân nổi tiếng xưa, nay.
PV: Xin nhà thơ cho biết chặng đường hoạt động của thơ ca Ninh Bình thời gian qua?
Nhà thơ Lâm Xuân Vi: Trong sự giao lưu, hòa nhập với thi ca đất nước, thơ ca Ninh Bình đã từng bước khẳng định được vị thế, chất lượng các tác phẩm của các tác giả vùng đất Cố đô. Nhìn chung, nội dung trong các tác phẩm thơ của tác giả trong tỉnh đều trong sáng, lạc quan, tích cực, mọi sáng tác đều hướng tới giá trị: chân-thiện-mỹ, góp phần xây dựng tâm hồn, tình cảm con người với tình yêu quê hương, đất nước. Hòa vào dòng chảy của thi ca Việt Nam, nhiều nhà thơ-Ninh Bình đã có những nỗ lực, tìm tòi, trên cơ sở cái cảm truyền thống để đổi mới thi pháp, từng bước gặt hái được những thành công, được công chúng yêu thơ đón nhận, yêu mến.
Bằng chứng rõ nhất là qua các cuộc thi thơ ở trung ương và địa phương, nhiều tác giả, hội viên đã tích cực tham dự, có nhiều tác phẩm dự thi và giới thiệu với công chúng. Tiêu biểu như cuộc thi thơ lục bát trên Báo Văn nghệ trẻ gần đây, với 2/3 giải A (của tác giả Bình Nguyên, Kao Sơn), 2/8 giải C (của tác giả Vũ Hùng, Trần Lâm Bình), 1 tặng thưởng của Ban tổ chức dành cho tác giả Lê Thi Hữu, 12 tác giả Ninh Bình dự thi có thơ được in… đã khẳng định được vị thế và chất lượng của thi ca Ninh Bình trên thi đàn cả nước.
Bên cạnh sự sáng tạo bền bỉ của các nhà thơ, hội viên thuộc bộ môn Thơ (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh), điều vui mừng nữa là ý nghĩa nhân văn sâu sắc từ thơ ca đã thu hút đông đảo công chúng đến với thơ, góp phần hình thành nên các câu lạc bộ thơ ở các địa phương, đơn vị, trường học trong tỉnh. Nhiều câu lạc bộ thơ như: câu lạc bộ thơ Tam Điệp, Yên Mô, Câu lạc bộ Thúy Sơn, Câu lạc bộ ngành Giáo dục - Đào tạo… đã có nhiều hoạt động để đưa thơ về với cơ sở, gần gũi với đời sống nhân dân, để "ngày thơ Việt Nam" dần trở thành ngày hội văn hóa dân gian có sức lôi cuốn, lan tỏa mạnh mẽ.
PV: Có một ý nhà thơ vừa nhắc đến rất hay, đó là để "Ngày thơ Việt Nam" thực sự trở thành ngày hội văn hóa dân gian. Vậy "Ngày thơ Việt Nam" tại Ninh Bình đã thực sự trở thành ngày hội văn hóa?
Nhà thơ Lâm Xuân Vi: Qua 11 năm, Ninh Bình cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức "Ngày thơ Việt Nam" đã cho thấy đây là hoạt động mang đậm nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của nhân dân, tôn vinh truyền thống yêu thơ của dân tộc. Những hoạt động được diễn ra trong ngày thơ: Tổ chức diễn đàn thơ, giao lưu thơ, thả thơ, bình thơ, hát thơ, đọc thơ, sân thơ trẻ… đã đáp ứng được sự kỳ vọng của công chúng yêu thơ, thu hút đông đảo độc giả, người dân tham gia. Đối với Ninh Bình, thực hiện sự chỉ đạo của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh hàng năm đều quan tâm tổ chức tất cả các hoạt động của "Ngày thơ" theo chủ đề của từng năm.
Đặc biệt, tại mỗi địa phương, đơn vị, ngày thơ đã được tổ chức linh hoạt với mục đích đưa thơ về cơ sở, đến trực tiếp và gần gũi với công chúng, để ngày thơ trở thành ngày hội văn hóa dân gian đặc sắc. Qua cách làm của một số địa phương, đơn vị trong tỉnh, tôi nghĩ rằng ngày thơ ở Ninh Bình đã được nhiều người đón nhận như một ngày hội văn hóa. Tiêu biểu như ngành Giáo dục-Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức ngày hội thơ tại mỗi trường để thơ có sức lan tỏa, phát huy ý nghĩa khi thơ được giãi bày, giao lưu giữa tác giả và công chúng yêu thơ bằng nhiều hình thức: bình thơ, đọc thơ, ngâm thơ, hát thơ, trả lời các câu hỏi về tác giả - tác phẩm… Hay như chi hội Văn học nghệ thuật Yên Mô đã có cách làm riêng, độc đáo trong việc đưa thơ về cơ sở như: tổ chức ngày hội thơ tại dòng họ, nhà thờ đại tộc họ Phạm của danh nhân Phạm Thận Duật, tổ chức ngày hội thơ tại trường THPT mang tên nhà cách mạng Tạ Uyên, tổ chức tại làng văn hóa…
Việc tổ chức ngày hội thơ kể trên ở một số địa phương, đơn vị đã cho thấy ngày hội thơ đã thu hút được đông đảo công chúng yêu thơ và lan tỏa sức sống bền lâu của thơ ca. Với việc tổ chức thành công 11 ngày hội thơ, tôi tin rằng "Ngày thơ Việt Nam" lần thứ 12 năm nay với chủ đề "Mùa xuân đất nước: Từ Điện Biên tới Trường Sa" tại Ninh Bình sẽ thực sự là ngày hội văn hóa, thu hút nhiều tác phẩm có nội dung khẳng định chủ quyền biển đảo - vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954- 2014), góp phần giúp thế hệ trẻ thêm hiểu biết, tự hào về truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, ý chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
PV: Xin cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện!
Phan Hiếu (Thực hiện)