Cơ quan công an đã khởi tố 18 vụ, 23 bị can; xử lý hành chính 22 vụ, 53 đối tượng, trong đó độ tuổi từ 14 đến 16 có 28 đối tượng, từ 16 đến dưới 18 có 48 đối tượng, 74 đối tượng vi phạm lần đầu, 2 đối tượng tái phạm.
Điển hình là: Lại Xuân Hoàng, sinh năm 1992, tạm trú tại thôn Thượng Lân, phường Ninh Sơn (thành phố Ninh Bình) đã có hành vi hiếp dâm cháu Phạm Thị O. Hoàng Văn Nam, sinh năm 1991, ở xã Khánh Thượng (Yên Mô) và Đoàn Trọng Phú, sinh năm 1991 ở xã Khánh An (Yên Khánh) do chơi bời, nợ môn học đã cùng nhau gây ra vụ giết người, cướp tài sản. Với mục đích lấy tiền ăn chơi, tiêu xài, Dương Việt Trường, sinh năm 1988; Dương Tuấn Anh, sinh năm 1993 ở thôn Tân Nam; Đỗ Văn Nam, sinh năm 1990 ở thôn Tân Nhuận; Lê Duy Thành, sinh năm 1990, ở thôn Tân Nam, xã Quang Sơn (thị xã Tam Điệp) đã rủ nhau vào Nhà máy xi măng Tam Điệp cắt trộm dây điện đem bán. Vũ Xuân Tiến, sinh năm 1992, ở tổ 20; Lê Việt Dũng, sinh năm 1994, ở tổ 9; Đinh Văn Long, sinh năm 1993, ở tổ 10B, phường Bắc Sơn; Mai Thành Luân, sinh năm 1991, ở tổ 24; Ngô Trung Hiếu, sinh năm 1993, ở tổ 24; Dương Thành Khang, sinh năm 1992, ở tổ 9, phường Trung Sơn và Phạm Văn Phong, sinh năm 1991, ở tổ 23, phường Nam Sơn (thị xã Tam Điệp) đã gây ra các vụ cưỡng đoạt tài sản của các em học sinh. Mới đây nhất, Công an thị xã Tam Điệp đã điều tra làm rõ 5 đối tượng: Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1993, ở tổ 1, phường Tân Bình; Lê Nhất Dũng, sinh năm 1994, ở tổ 9; Đào Hồng Hưng, sinh năm 1990, ở tổ 13; Trần Huy Công, sinh năm 1992, ở tổ 7, phường Bắc Sơn và Ngô Trung Hiếu, sinh năm 1993, ở tổ 24, phường Trung Sơn trộm cắp tài sản ở nhà văn hóa thiếu nhi thị xã....
Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội ở lứa tuổi này là do chính bản thân các em đua đòi, ăn chơi; nhu cầu sinh hoạt không phù hợp kinh tế gia đình. Do ở tuổi mới lớn, nhận thức xã hội thấp và ít hiểu biết về pháp luật nên dễ bị kẻ xấu lôi kéo, kích động. Mặt khác, sự quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường chưa chặt chẽ, thiếu sự quan tâm đến nhu cầu của các em. Bên cạnh đó, tác động xấu của phim ảnh, Internet, các văn hóa phẩm không lành mạnh làm nảy sinh hành vi phạm tội của các em.
Để hạn chế và ngăn chặn hành vi phạm tội ở lứa tuổi này, cần có sự phối hợp 3 môi trường giáo dục: Gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó yếu tố gia đình rất quan trọng. Gia đình cần theo dõi, quan tâm đến các em từ việc sử dụng tiền, nhu cầu sinh hoạt, thời gian học, thời gian chơi và các mối quan hệ bạn bè. Chú ý những biểu hiện tâm lý bất thường, không nên nuông chiều con quá mức hoặc thờ ơ, bỏ mặc.
Về phía nhà trường, dù chỉ quản lý các em trong thời gian đến lớp nhưng thông qua thầy, cô chủ nhiệm, ban cán sự lớp, Đoàn thanh niên nhà trường cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi, gắn chặt mối quan hệ nhà trường - gia đình qua họp phụ huynh, thông báo kết quả học tập, rèn luyện để gia đình kịp thời có biện pháp giáo dục. Tăng cường công tác tuyên truyền về các thủ đoạn hoạt động của tội phạm để các em hiểu, biết cách phòng tránh.
Các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... ở cộng đồng dân cư nên tổ chức nhiều hoạt động thu hút các em trong thời gian hè, thời gian rỗi, động viên, giúp đỡ những em đã có vi phạm, tránh mặc cảm, xa lánh, đố kỵ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý các loại hình kinh doanh văn hóa, dịch vụ văn hóa như: Internet, karaôkê, các ấn phẩm văn hóa, băng đĩa có nội dung xấu nhằm hạn chế sự tác động đến tâm lý của các em. Chỉ khi nào sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội được thực hiện đồng bộ thì công tác quản lý, giáo dục các em mới đạt hiệu quả cao.
Mỹ Duyên
(Công an Ninh Bình)