Phóng viên (PV): Tết Trung thu đang tới thật gần. Để tạo điều kiện tốt nhất cho mọi thiếu nhi được vui đón một cái Tết Trung thu thật trọn vẹn và ý nghĩa, các cấp bộ Đoàn-Hội- Đội trên địa bàn huyện Gia Viễn đã có sự chuẩn bị như thế nào? Đ/c Nguyễn Thị Hương Sen: Những ngày này, khắp nơi trên địa bàn huyện Gia Viễn đều rộn ràng không khí chuẩn bị cho ngày Tết Trung thu. Dưới sự hướng dẫn của các cán bộ đoàn cơ sở, thiếu nhi ở cả 21/21 xã, thị trấn đều đang tích cực tập luyện nghi thức đội, các chương trình văn nghệ đặc sắc để chuẩn bị biểu diễn trong đêm hội trăng rằm. Tiếng trống ếch rộn ràng, những ca khúc thiếu nhi quen thuộc vang lên khắp nơi. Sự háo hức, chờ đợi ấy không chỉ của riêng con trẻ mà còn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các bậc phụ huynh. Ai cũng mong muốn được góp phần mang lại cho con em mình một đêm trông trăng thật đầm ấm, ý nghĩa.
Riêng đối với Huyện đoàn, với vai trò là lực lượng nòng cốt, ngay từ đầu tháng 9 dương lịch, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã phối hợp chặt chẽ với phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cơ sở đoàn, đội trên địa bàn huyện tích cực triển khai các nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho trẻ em. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là đối tượng trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, trẻ tàn tật, trẻ vượt khó vươn lên học giỏi. Từ đó, kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp và mỗi gia đình cùng chung tay tổ chức cho các em thiếu nhi đón một cái Tết Trung thu thật đầy đủ, đầm ấm và hạnh phúc.
Huyện đoàn cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn để đảm bảo có sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm sát sao trong việc chuẩn bị cho trẻ em địa phương đón Tết Trung thu. Phát huy vai trò thanh niên xung kích, tình nguyện, tuổi trẻ toàn huyện đã đóng góp, ủng hộ kinh phí để tặng quà cho các em đội viên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam/điôxin, con cháu các gia đình chính sách tại các địa phương. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn cũng chỉ đạo cơ sở đoàn đẩy mạnh hoạt động tình nguyện tại chỗ để giúp đỡ các em bị nhiễm HIV/AIDS được hòa nhập vui đón Tết Trung thu để em nào cũng cảm nhận được tình yêu thương, sự chia sẻ của cộng đồng.
PV: Đồng chí có thể chia sẻ những nét đặc sắc trong Đêm hội trăng rằm ở huyện Gia Viễn?
Đ/c Nguyễn Thị Hương Sen: Về thời gian, các đơn vị đồng loạt tổ chức các hoạt động Trung thu từ chiều ngày 26-9 đến hết ngày 27-9 (từ chiều ngày 14-8 đến 15-8 âm lịch). Cũng như mọi năm, việc cắm trại vui đón Tết Trung thu trên địa bàn huyện sẽ được triển khai dưới nhiều hình thức hấp dẫn tại các trường học và theo lũy tre xanh. Theo đó, chúng tôi chỉ đạo 100% cơ sở Đoàn - Đội khối xã, thị trấn tổ chức cắm trại cho thiếu nhi với chủ đề "Đêm hội trăng rằm" tại các thôn, xóm.
Gia Viễn là địa phương còn duy trì được nhiều nét đẹp truyền thống trong ngày Tết Trung thu. Bởi vậy, bên cạnh việc "gợi ý" một số hoạt động chính trong chương trình Đêm hội trăng rằm, chúng tôi khuyến khích mỗi địa phương phát huy những nét văn hóa đặc sắc của mỗi vùng, miền trong việc tổ chức vui Trung thu cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, mỗi cơ sở đoàn cũng sẽ sáng tạo, "thiết kế" những chương trình phù hợp với địa phương, được các em thiếu nhi đón nhận. Trong chương trình hội trại sẽ tổ chức thi nấu cơm, thi mâm ngũ quả đẹp, thi trại đẹp, thi thuyết trình về ước mơ tuổi thơ… Đoàn thanh niên khối hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp tổ chức chương trình "Vui Tết Trung thu" cho con em cán bộ công nhân viên chức tại cơ quan, đơn vị. Nhìn chung, chúng tôi cố gắng đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra những sân chơi lý thú, hấp dẫn và thực sự bổ ích cho các em nhỏ trong dịp Tết Trung thu nhưng cũng phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm và gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống. Hiện nay, chúng tôi vẫn cố gắng để mỗi trò chơi trong dịp Tết Trung thu ngoài tiêu chí là vui, hấp dẫn còn phải mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc như hướng dẫn các em làm đèn ông sao, đèn kéo quân... Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức các trò chơi dân gian như: kéo co, múa lân, múa kiếm, tổ chức sân chơi em yêu làn điệu dân ca…
PV: Ngày nay, hầu hết các em thiếu nhi đều được gia đình yêu thương, chăm sóc và đặc biệt có một sự đủ đầy trong ngày Tết Trung thu. Tuy nhiên, không khỏi xúc động khi đây đó, chúng ta vẫn bắt gặp những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí các em còn phải mưu sinh ngay trong ngày hội của chính mình?
Đ/c Nguyễn Thị Hương Sen: Đúng vậy, mặc dù cuộc sống đã có nhiều cải thiện tích cực, các cấp, các ngành và mỗi gia đình đều cố gắng dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, tuy nhiên, đây đó vẫn còn có những hoàn cảnh khiến chúng ta phải xúc động. Vẫn còn những đứa trẻ phải mưu sinh trong chính ngày hội của tuổi thơ; những trẻ em ở vùng khó khăn còn chưa được biết không khí thực sự của ngày Tết Trung thu. Thậm chí, được xem múa rồng lân, được rồng rắn đi rước đèn vẫn còn là ước mơ của nhiều em nhỏ.
Tuy nhiên, năm nay, với mục đích dành cho thiếu nhi những gì tốt đẹp nhất, mang lại cho các em tình yêu thương, sư quan tâm, chăm sóc thì bên cạnh việc chỉ đạo các cơ sở đoàn chuẩn bị thật tốt cho đêm hội trăng rằm thì chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo, tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, để các em được đón một Tết trung thu đầm ấm, đủ đầy và ý nghĩa. Muốn vậy, ngay từ đầu, chúng tôi phối hợp với phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, các xã, thị trấn rà soát thật kỹ những đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, sau đó huy động sự chung tay đóng góp của các lực lượng xã hội, đặc biệt là lực lượng tuổi trẻ của huyện. Từ nguồn đóng góp quý giá đó, chúng tôi trao tặng cho các em những bộ sách giáo khoa, những bộ quần áo mới… hay đơn giản hơn là những đôi dép, chiếc mũ, đèn lồng, đồng thời chỉ đạo các cơ sở đoàn tạo điều kiện để các em được tham gia vào các hoạt động sôi nổi trong ngày Tết Trung thu. Tuy là những món quà nhỏ nhưng đậm nghĩa đậm tình sẽ góp phần quan trọng trong việc động viên, sưởi ấm tình yêu thương cho các em trong đêm hội trăng rằm.
Đặc biệt, ở Gia Viễn có một số địa phương sống bằng nghề sông nước như thôn Điềm Khê (xã Gia Trung), thôn Kênh Gà (xã Gia Thịnh) và thôn Lạc Tân (xã Gia Lạc). Đối với những hộ gia đình làm nghề vận tải thủy thì thường cho con nhỏ đi cùng những chuyến sông nước dài ngày. Nhiều khi vì bận rộn với cuộc mưu sinh của bố mẹ mà vô tình các em mất đi cơ hội được tham gia vào ngày hội của tuổi thơ. Vì vậy, trong năm nay, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm tới việc tuyên truyền cho những địa phương, các gia đình làm nghề vận tải thủy tạo mọi điều kiện để con trẻ được đón trăng cùng bè bạn ở thôn, xóm.
Hoạt động trong ngày Tết Trung thu có rất nhiều. Chúng tôi mong rằng thông qua các hoạt động tổ chức vui Tết Trung thu sẽ thêm phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội đối với sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất cho mọi trẻ em được phát triển bình đẳng.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Hùng (Thực hiện)