Hàng năm, Ninh Bình có trên 220 lễ hội được tổ chức ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nhiều lễ hội lớn được phục dựng, phát huy những nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc như: Lễ hội Trường Yên, Chùa Bái Đính, Đền Dâu, Quán Cháo... Đại đa số các lễ hội ở tỉnh ta có quy mô nhỏ, chủ yếu ở cấp làng, xã nên thời gian tổ chức ngắn, song không vì thế mà các địa phương bỏ qua các nghi thức cần thiết của một lễ hội.
Theo đánh giá của ngành chức năng và theo cảm nhận của nhiều người thì các lễ hội đã tổ chức tốt phần "lễ" đảm bảo trang trọng, kết hợp hài hòa các nghi lễ truyền thống với hiện đại. Ngoài nghi thức tế lễ, phần "hội" còn bảo lưu được những trò chơi dân gian truyền thống như: Cờ người, kéo co, chọi gà, thi bắn cung, bắn nỏ…
Những trò chơi dân gian tưởng chừng đã bị bỏ quên, mai một từ lâu giờ lại thu hút được sự tham gia hào hứng của người già, con trẻ và cả thanh niên. Bên cạnh đó, một số trò chơi mang tính hiện đại cũng được tổ chức như: bóng chuyền, cầu lông… thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương tham gia. Các hoạt động này đã góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tâm linh gắn liền với tham quan du lịch và hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân.
Được xem là một trong những lễ hội hấp dẫn khách thập phương ở Ninh Bình vào mỗi dịp đầu xuân, những ngày qua, tại Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính đã đón tiếp hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái. Có mặt tại chùa Bái Đính vào những ngày cuối tuần đầu tháng 4, chúng tôi nhận thấy công tác quản lý của chính quyền địa phương cũng như Ban quản lý và phong cách làm du lịch của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng ăn xin, rác xả bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường đã hạn chế rất nhiều. Các loại hình dịch vụ cho khách hành hương từ bán lịch, sách, đồ hàng mã cho đến các quán ăn, điểm trông giữ xe… được cải thiện và nâng cao chất lượng.
Những người dân địa phương ở chung quanh khu vực chùa tham gia làm dịch vụ cũng rất hồ hởi, hướng dẫn tận tình cho du khách đến tham quan, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa trong ứng xử giữa người dân sở tại với du khách. Điều này đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương.
Bà Nguyễn Thị Ngoan (Hải Phòng) cho biết: Sau khi đi du lịch ở Tràng An, chúng tôi đến với Bái Đính, tôi cảm giác rất thư thái vì tính quy mô, bề thế của quần thể chùa, ai nấy đi lễ đều hồ hởi và thành kính. Vì vậy, chuyến du xuân đầu năm về với các lễ hội ở Ninh Bình của gia đình tôi càng trở nên thú vị và ý nghĩa.
Theo báo cáo của ngành chức năng, trong quý I-2015, các khu, điểm du lịch trong toàn tỉnh đã đón khoảng 2,7 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 569 tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là một trong những kết quả quan trọng để ngành du lịch tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ.
Được biết, để mùa lễ hội năm 2015 diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, tôn vinh được các giá trị văn hóa truyền thống, khắc phục được những điểm còn hạn chế trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có sự chuẩn bị kỹ trong công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện các văn bản, chỉ thị của UBND tỉnh.
Sở đã có công văn gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã đề nghị phối hợp trong công tác quản lý di tích, quản lý lễ hội, trong đó có hướng dẫn cụ thể các quy định về việc tổ chức các dịch vụ trong lễ hội như: trông giữ xe, bán hàng quán, đổi tiền lẻ, hàng mã, rút thẻ, bói toán… ở các di tích; chỉ đạo các đơn vị trong ngành đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trực quan, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao tại các khu trung tâm, các địa điểm công cộng từ tỉnh đến cơ sở.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình, các phương án đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ở một số lễ hội vẫn còn tình trạng ăn xin, chụp ảnh chèo kéo, mời gọi, gây khó chịu cho du khách. Một số địa phương để xảy ra tệ nạn mê tín dị đoan (đốt nhiều tờ tiền, hàng mã, bói toán, xóc quẻ...), cờ bạc, trộm cắp trong thời gian mở hội..., gây mất vệ sinh môi trường và làm mất đi các giá trị văn hóa tốt đẹp của lễ hội.
Để lễ hội là nơi lưu giữ bản sắc dân tộc, thực hiện tốt quy chế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và những quy định của UBND tỉnh về việc "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội", thời gian tới các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia lễ hội. Ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật cũng như quy chế tổ chức lễ hội. Có như vậy mới đảm bảo việc tổ chức các lễ hội luôn thiết thực, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tránh được lãng phí, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan.
Nhất là khi chúng ta đang tích cực chuẩn bị cho lễ hội Trường Yên kỷ niệm 1.047 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (968- 2015), diễn ra từ ngày 26-4 đến hết ngày 28-4 (tức mùng 8 đến mùng 10 tháng 3 năm ất Mùi) thì những tồn tại trên cần được sớm khắc phục để lễ hội là một trong những hoạt động du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách. Đó cũng là điều quan trọng tạo ấn tượng để du khách thập phương đến trảy hội tại Ninh Bình sẽ có thêm góc nhìn mới về đất và người Ninh Bình- mảnh đất vốn được coi là "địa linh nhân kiệt".
Mai Lan