Làng nghề mộc Phúc Lộc được UBND tỉnh công nhận làng nghề cấp tỉnh vào năm 2006 và đã có 6 thợ mộc của làng nghề được công nhận là nghệ nhân. Theo báo cáo của UBND phường Ninh Phong, hiện phường có 124 hộ dân và nhiều doanh nghiệp tham gia làm nghề mộc. Giá trị sản xuất hàng năm từ làng nghề đạt gần 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 1.200 lao động với thu nhập từ 4,5-7 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, cũng như nhiều làng nghề khác, môi trường làm việc tại đây luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong lao động, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người thợ. Ông Vũ Văn Hưởng, một người thợ đã nhiều năm gắn bó với nghề mộc, cho biết: Nghề mộc đã gắn bó với nhiều thế hệ của người làng Phúc Lộc và là nghề chính của người dân địa phương. Từ nghề mộc, nhiều gia đình đã có kinh tế khá giả. Tuy nhiên, do đặc thù công việc thường xuyên phải tiếp xúc với bụi bẩn, tiếng ồn, máy cưa, máy bào, máy tiện... nên khó tránh khỏi những trường hợp tai nạn lao động rất đáng tiếc.
Vất vả là thế nhưng khi được hỏi về vấn đề đảm bảo an toàn trong quá trình lao động, nhiều người thợ ở làng nghề vẫn rất chủ quan. Không đeo khẩu trang thường xuyên, không có bảo hộ lao động... Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể về số vụ tai nạn lao động tại làng nghề, nhưng khi xảy ra mất an toàn lao động đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của người thợ. Bà Đỗ Thị Hường, một người thợ làm các công việc phụ của nghề mộc cho biết: Chúng tôi thường ngày làm việc lâu trong môi trường bụi, tiếng ồn nên cũng quen, vì thế ít người nghĩ đến phải trang bị bảo hộ lao động trong quá trình làm việc.
Để hạn chế tai nạn lao động và ô nhiễm môi trường, thời gian qua chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền và tổ chức cho các chủ xưởng sản xuất, người lao động tham gia lớp tập huấn về an toàn lao động. Việc kịp thời cung cấp các thông tin cần thiết trong quá trình làm mộc an toàn như: Giải pháp cắt, xẻ, mài, đục đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, hướng dẫn an toàn điện, phòng chống bụi, tiếng ồn, sự cẩn trọng trong quá trình sử dụng máy móc... đã được nhiều xưởng mộc áp dụng, tuy nhiên, sự chuyển biến cũng chưa nhiều.
Ông Phạm Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Phong cho biết: Hội đã tổ chức tuyên truyền về đảm bảo an toàn lao động cho hội viên để mọi người nâng cao nhận thức phòng tránh các tai nạn thương tích cũng như hạn chế được các bệnh nghề nghiệp. Mặc dù vậy kết quả mang lại vẫn chưa như mong muốn. Vấn đề đang được chính quyền địa phương và người dân quan tâm nhất hiện nay là việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Chính vì vậy, cần có nhiều giải pháp quyết liệt hơn để nâng cao ý thức phòng, chống bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, với mục đích để làng nghề luôn phát triển bền vững đi cùng với sức khỏe người thợ và môi trường sống an toàn.
Thu Hường