Phiên thảo luận sôi nổi ngay từ đầu khi các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội của đất nước. Trong đó, có nhiều nội dung bàn luận xoay quanh các vấn đề làm gì và làm như thế nào để "chữa" được "căn bệnh trầm kha" của nền kinh tế và để gói kích cầu đúng nghĩa là gói kích thích nền kinh tế phát triển- như cách đặt vấn đề của một đại biểu Quốc hội.
Tiếp tục đi sâu vào việc phân tích những kết quả đạt được, những nội dung còn tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách Nhà nước, các ý kiến đã chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại trong quá trình điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, nhất là quá trình triển khai các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư: Việc hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân chưa phát huy tác dụng, hiệu quả vì hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp, cá nhân khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ; việc liên kết "4 nhà" chưa thực sự phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ người nông dân sống được và làm giàu từ các sản phẩm nông sản; công tác thông tin, thống kê, phân tích, dự báo tình hình chưa kịp thời, chính xác; bội chi ngân sách còn ở mức cao...
Từ việc thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội nói chung, nhóm các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế nói riêng của Chính phủ, các ý kiến thảo luận đã đề cập đến các giải pháp để khắc phục những tồn tại, đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng.
Đó là: Cần phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại thông qua chính các giải pháp kích cầu của Chính phủ theo hướng lựa chọn những doanh nghiệp tiêu biểu trong từng lĩnh vực để có chính sách đầu tư, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển phù hợp với các loại hình doanh nghiệp trên thế giới. Đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước để đảm bảo các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động bình đẳng. Bên cạnh đó, vốn ngân sách dành cho đầu tư cần quan tâm đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, một phần nên dành cho những ngành kinh tế chủ lực mà kinh tế tư nhân không thể đảm nhận được và đề nghị Chính phủ cần có báo cáo giải trình cụ thể về việc đầu tư vốn vào khối doanh nghiệp để các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước được biết.
Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ trong quá trình triển khai các giải pháp kích cầu cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo các giải pháp đề ra được thực hiện như thế nào? hiệu quả ra sao? Việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội đã phản ánh đúng tình hình thực tế địa phương, đơn vị? Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ trong các giải pháp để khôi phục nền kinh tế cần quan tâm đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, y tế, khu vực nông thôn, miền núi một cách thiết thực, hiệu quả…
Phát biểu tại hội trường, trên cơ sở nhất trí với báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội của Chính phủ, đại biểu Đinh Trịnh Hải (Đoàn Đại biểu Quốc hội Ninh Bình) đề cập đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu. Về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội, đại biểu Đinh Trịnh Hải đồng tình với việc điều chỉnh từ 6,5% xuống dưới 5% trong điều kiện hiện nay là cần thiết và phù hợp. Riêng chỉ tiêu xuất khẩu điều chỉnh từ 13% xuống 3% là mức quá thấp, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp nhất định để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm thị trường mới, thúc đẩy tăng nguồn thu.
Về chỉ tiêu bội chi ngân sách Nhà nước, đại biểu Đinh Trịnh Hải cho rằng mức 8% là cao, chỉ nên ở mức dưới 7% vì bội chi ngân sách còn phụ thuộc vào mức thu ngân sách Nhà nước và giá dầu trên thế giới, không nên điều chỉnh kéo dài từ 3-5 năm mà nên ổn định trong năm 2009. Đề cập đến gói kích cầu của Chính phủ, đại biểu Đoàn Ninh Bình đánh giá bước đầu là phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, nhiều doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận gói kích cầu khó khăn… Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường kiểm tra, giám sát để gói kích cầu phát huy hiệu quả đúng nghĩa là gói kích cầu phát triển kinh tế.
Trong phần tham luận của mình, đại biểu Đinh Trịnh Hải còn bày tỏ quan điểm đồng tình về việc phát hành trái phiếu Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, nhất trí với việc miễn, giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng cuối năm 2009 cho 2 đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân là đối tượng đầu tư chứng khoán và chuyển nhượng vốn. Đề nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu kỹ dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên và kết quả sau 1 năm hợp nhất Hà Nội- Hà Tây.
Bùi Diệu