Nhiều địa phương đang quan tâm đến tính hiệu quả kinh tế của sản xuất vụ đông chứ không chạy theo số lượng, diện tích. Có thể chia tập đoàn giống cây trồng vụ đông thành các nhóm: Cây ưa lạnh, gồm các loại như khoai lang, khoai tây, rau các loại; cây ưa ấm gồm các loại như ngô, đậu tương… Qua thực tiễn sản xuất vụ đông những năm gần đây cho thấy, các loại cây trồng được đưa nhiều vào đồng ruộng là: Ngô, khoai lang, đậu tương, khoai tây, rau… Vụ đông năm 2007, toàn tỉnh trồng 16.220,5 ha, trong đó 3.460,9 ha ngô; 6.092,5 ha đậu tương; 977,5 ha khoai tây; 1.632,4 ha khoai lang; 252,4 bí xanh; 186,8 ha lạc; 340,1 ha khoai sọ; 3176 ha rau các loại…
Cây ngô được trồng tập trung ở Nho Quan, Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn… và đây là cây trồng chính, truyền thống trong nhiều vụ qua. Cây khoai tây được trồng chủ yếu ở Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh, Gia Viễn. Cây khoai lang là cây trồng truyền thống ở Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn.Cây đậu tương được hầu hết các địa phương đưa vào sản xuất trong các vụ đông gần đây bởi chi phí sản xuất thấp, không tốn công sức làm đất, có thể mở rộng diện tích nhanh khi có điều kiện. Nhưng đây cũng là loại cây trồng ưa ấm nên phải trồng sớm, lại dễ bị mất mùa do mưa úng nên hiệu quả kinh tế không cao.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT, vụ đông năm 2007, giá trị bình quân các loại cây vụ đông trên 1 ha canh tác là: Bí xanh 45 triệu đồng; khoai sọ 38 triệu đồng; cây ớt xuất khẩu 34 triệu đồng; khoai tây 30 triệu đồng; cây lạc 23 triệu đồng; ngô 16 triệu đồng; khoai lang 15 triệu đồng; rau các loại 19 triệu đồng; đậu tương 9 triệu đồng... Nếu trừ chi phí sản xuất cho 1 ha (gồm: Giống, công, phân bón…) thì lãi thu được của các cây vụ đông là: Bí xanh 31,4 triệu đồng; khoai sọ 21,1 triệu đồng; ớt xuất khẩu 15,3 triệu đồng; lạc 10,3 triệu đồng; khoai lang 8,8 triệu đồng; khoai tây 12,7 triệu đồng; ngô 7,7 triệu đồng; rau các loại 6,9 triệu đồng; đậu tương 2,05 triệu đồng.
Như vậy, các cây trồng: Bí xanh, ớt xuất khẩu, khoai sọ, khoai tây… cho giá trị cao, lãi nhiều, nhưng đòi hỏi phải tuân theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, chi phí lớn; ngoài ra không phải nơi nào, vùng đất nào cũng thích hợp với các loại cây trồng trên. Ngô, khoai lang, rau các loại… là những cây trồng truyền thống, phù hợp với nhiều vùng đất, chất đất, lãi ở mức khá… nên được duy trì trong các vụ sản xuất. Riêng đối với cây đậu tương, mới được đưa vào trồng đại trà trong một vài năm gần đây, nhưng hay bị mất mùa do úng ngập và bị hại nặng bởi sâu đục quả, bệnh gỉ sắt, hơn nữa còn phụ thuộc lớn vào khung thời vụ… nên lãi trên một đơn vị sản xuất không cao (2 triệu đồng/ha).
Trong chiến lược phát triển vụ đông của tỉnh đến năm 2010, phấn đấu đưa vụ đông thành một vụ sản xuất chính trong năm với diện tích trên 25.000 ha. Để đạt được mục tiêu này cũng cần phải quan tâm đến vấn đề làm thế nào để sản xuất vụ đông có hiệu quả, có lãi cao và "bền vững" qua các năm, nhất là khi không còn chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Xây dựng nhiều mô hình cây vụ đông mới có giá trị kinh tế cao từ mô hình liên kết "4 nhà", mở rộng diện tích loại cây trồng đã khẳng định được hiệu quả kinh tế các năm qua. Phát triển và mở rộng diện tích các cây trồng truyền thống có giá trị, phù hợp với từng địa phương.
Từ sản xuất vụ đông ở các địa phương cho thấy: Nhiều địa phương trong tỉnh quan tâm đến tính hiệu quả của sản xuất vụ đông là sản xuất theo phương châm lấy hiệu quả là thước đo, không chạy theo số lượng diện tích. Các địa phương không chỉ chú trọng phát triển các loại cây truyền thống có giá trị cao như: Ngô, khoai lang, khoai sọ, bí xanh, khoai tây…, mà các cây trồng mới có giá trị kinh tế như: ớt xuất khẩu, ngô ngọt, dưa chuột cũng đang được mở rộng diện tích.
Đinh Chúc