Theo thống kê, toàn tỉnh có 117 xã có khu vực nông thôn, trong đó có 84 xã đã hình thành được mô hình tổ thu gom rác tự quản, đạt 71,79% số xã có mô hình thu gom rác thải. Rác được thu gom, tập kết tại chân núi hoặc các bãi rác của xã để chôn lấp. Đã có một số mô hình thu gom rác điển hình đang phát huy tác dụng, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường như: ở xã Yên Hòa (Yên Mô), xã đầu tư xây dựng 2 bãi xử lý rác thải sinh hoạt, trang bị 10 xe cải tiến tổ chức thu gom tại 10/10 thôn. Rác thải ở đây được thu gom 1 tuần/lần, tập kết ở bãi rác khu Trung Hòa và Liên Trì để đốt hoặc chôn lấp. ở xã Ninh Hòa (Hoa Lư) đã hình thành tổ thu gom rác do Hội phụ nữ xã phụ trách tại 4/8 thôn. Rác được thu gom 1 tuần/lần, sau đó được tập kết tại chân núi các thôn và đốt thủ công... Đồng chí Đinh Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Gia Phương (Gia Viễn) cho biết: Nhận thấy vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trong dân cư rất cần thiết, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn, nên mặc dù còn nhiều khó khăn, mỗi năm, xã vẫn dành một phần kinh phí hỗ trợ cho mỗi thôn khoảng 200 nghìn đồng, chia thành 2 đợt để phục vụ cho việc thu gom, xử lý rác thải. Ngoài ra, xã còn huy động các tổ chức đoàn thể như: Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... định kỳ tổ chức khơi thông cống rãnh, dọn vệ sinh môi trường các trục đường chính. Hiện nay, xã đã quy hoạch và đang xây dựng điểm tập kết, xử lý rác thải trên diện tích 1.500 m2 tại thôn Văn Hà
Để xử lý triệt để vấn đề rác thải ở nông thôn, cần nhân rộng các mô hình tổ đội, HTX thu gom và xử lý rác thải, việc nâng cao ý thức của nhân dân trong việc thu gom rác thải. Bên cạnh việc xử lý nghiêm những trường hợp làm ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương cần xây dựng các điểm công nghiệp tập trung để đưa các hộ làm nghề ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực. Mặc dù vậy để các mô hình này nhân rộng và đạt hiệu quả bền vững cần sự chung tay của các cấp, các ngành và nhân dân để giải quyết những vướng mắc.
Thực tế cho thấy, vấn đề thu gom rác thải ở nông thôn gặp nhiều khó khăn trong việc thu phí và vận động người dân tham gia. Cùng với đó là kinh phí để duy trì hoạt động còn ít, chưa động viên được người làm công tác vệ sinh ở thôn, xóm gắn bó với công việc.Như đối với xã Gia Phương, cả xã mới chỉ có 1 thôn thu phí mỗi hộ là 2 nghìn đồng trong 6 tháng. Nguồn phí hạn hẹp này để phục vụ thuê xe chở rác đến điểm xử lý. Vì vậy, giải quyết vấn đề này, cần đưa việc đóng góp phí thu gom rác thải vào hương ước, quy ước của thôn, xóm và để cho người dân tự quản lý, giám sát. Ngoài ra, các bãi rác thải phải được thiết kế theo tiêu chuẩn hợp vệ sinh, mọi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong việc thu gom rác thải.
Theo chị Trần Thị Diệu Linh - phụ trách bộ phận kiểm soát ô nhiễm Chi cục Bảo vệ môi trường thì tiêu chuẩn một bãi rác hợp vệ sinh phải đảm bảo các yêu cầu như: Rác phải được phân loại tại gia đình hoặc tại bãi rác. Đối với loại rác vô cơ sẽ được sử dụng làm phân bón hữu cơ hoặc phân vi sinh, số còn lại nếu là rác có thể tái chế (bao bì, nhựa) bán cho các cơ sở sản xuất, loại không thể tái chế mới chôn lấp hoặc đốt. Bãi rác phải xa khu dân cư, chia theo các ô chôn lấp, kích thước tùy theo lượng rác của mỗi địa phương. Nước rữa từ rác thải phải có hệ thống thu gom, xử lý để tránh ô nhiễm môi trường đất và hệ thống nước ngầm...
Dự án "Thiết kế và thi công xây dựng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh cho huyện Nho Quan và Gia Viễn - tỉnh Ninh Bình" do Trung tâm Tư vấn và công nghệ môi trường - Tổng Cục Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đang được tiến hành sẽ giải quyết yêu cầu về mặt kỹ thuật đối với vấn đề xử lý rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường hiệu quả và bền vững.
Bài, ảnh: Phương Nguyên