Tại tỉnh ta, tình hình kinh tế - xã hội quý I tuy vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng nhưng để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, cần triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh chịu nhiều tác động do dịch COVID-19, Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Những chính sách này đã được các cấp, các ngành trong tỉnh kịp thời chỉ đạo triển khai để sớm đi vào cuộc sống, góp phần chung tay cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTgngày 04/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Theo đó, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí...
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch bệnh này, Tổng cục Thuế đã có công văn về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. BHXH Việt Nam đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hết tháng 6/2020 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành công văn về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện và tiền điện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân từ tháng 4 đến tháng 6/2020… Tất cả những chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã được tỉnh ta triển khai hết sức khẩn trương để nguồn hỗ trợ đến với doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng, nhằm chung tay cùng với cộng đồng doanh nghiệp khắc phục khó khăn.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai nhiều ngân hàng đã công bố các gói tín dụng, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhưng mỗi đơn vị một cách làm khác nhau, với điểm chung là còn tùy thuộc vào thỏa thuận trực tiếp ở từng trường hợp. Thực tế cho thấy việc rà soát các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là không dễ dàng.
Có những doanh nghiệp dễ xác minh thiệt hại thông qua lịch sử kinh doanh (như du lịch, lưu trú, vận tải, hoặc doanh nghiệp sản xuất có đầu vào nguyên vật liệu đến từ những nước bị ảnh hưởng lớn của dịch), nhưng cũng có nhiều trường hợp doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp thì rất khó định lượng.
Bên cạnh đó, khó khăn gặp phải của mỗi doanh nghiệp rất khác nhau, có doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu, có doanh nghiệp gặp khó về thị trường nên cần giải pháp hỗ trợ, đồng hành phù hợp. Việc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn bằng các gói tín dụng và tài khóa được cho là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, song cũng cần lường trước, kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra từ việc trục lợi chính sách và có các điều chỉnh kịp thời để tránh đẩy lạm phát tăng cao…
Hiện tại, dịch bệnh COVID-2019 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu "ngấm đòn" và những ảnh hưởng tiêu cực đã thể hiện rõ nét. Chính vì thế các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại và tiếp tục sau này là rất cần thiết để phục hồi nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì việc làm cho người lao động.
Để những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả, thực sự là "phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp thời điểm này thì phải theo nguyên tắc chung là Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Đồng thời, việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Các chính sách hỗ trợ áp dụng trong thời gian có dịch cần tập trung vào các giải pháp nhằm giảm gánh nặng, trách nhiệm các khoản phải đóng của doanh nghiệp, giảm chi phí đầu vào, giảm giá điện, nước, thuê mặt bằng, hỗ trợ giữ lao động. Đồng thời, xem xét hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người chịu ảnh hưởng trực tiếp. Việc sử dụng công cụ chính sách tiền tệ và tài khóa cần linh hoạt, thận trọng nhằm tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định vĩ mô, vì đây là yếu tố then chốt để phát triển bền vững.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên nghiên cứu, cập nhật và vận dụng chính sách kịp thời nhằm tăng thêm nguồn lực tháo gỡ khó khăn. Mặt khác các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực quản trị, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp, đổi mới phương thức bán hàng theo hướng mở rộng các kênh trực tuyến, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, tích cực tìm nguồn nguyên liệu trong nước, tự tìm nguồn tiêu thụ trong nước với những sản phẩm khó khăn trong xuất khẩu…để "cộng hưởng" cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước giải quyết bài toán kinh tế trong thời dịch và hậu dịch COVID-19…
Bùi Quang