Giải pháp này không những được nông dân phấn khởi, hồ hởi đón nhận, mà còn tháo gỡ được nhiều khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi chủ động hoạt động, phục vụ có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Việc miễn thủy lợi phí cũng đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi và đảm bảo tính công bằng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội ở khu vực nông nghiệp và nông thôn.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ năm 2008, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các ngành, huyện, thị xã, thành phố, Công ty KTCTTL triển khai thực hiện Nghị định 145/NĐ-CP của Chính phủ về miễn thủy lợi phí (TLP) trên địa bàn toàn tỉnh. Các ngành chuyên môn đã tiến hành rà soát kê khai, lập dự toán kinh phí cấp bù TLP cho các diện tích đất sản xuất nông nghiệp nằm trong đối tượng được miễn TLP; lập hồ sơ đề nghị xóa nợ đọng TLP và lỗ do nghuyên nhân khách quan phát sinh trước ngày 31/12/2007. Tổ chức kiểm tra tình hình thu, sử dụng nguồn thủy lợi phí và miễn thủy TLP của 23 HTX với tổng số nợ đọng TLP từ trước 31/12/2007 của 132 HTXNN với tổng số tiền là 7.397 triệu đồng. Hướng dẫn Công ty KTCTTL và các huyện, thị xã, thành phố xác định diện tích tưới tiêu Công ty KTCTTL và các HTX đảm nhiệm; lập dự toán kinh phí cấp bù năm 2008. Để giải quyết một nội dung bất hợp lý của Nghị định 145/NĐ-CP, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 trong đó quy định mức thu cụ thể cho từng biện pháp tưới tiêu, đối tượng miễn TLP bao gồm toàn bộ diện tích đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối. Đối với các loại diện tích này không phân biệt được cấp nước, tưới tiêu từ công trình thủy lợi đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hay nguồn vốn khác.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 115 của Chính phủ, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ miễn TLP năm 2009. Tổng hợp danh mục công trình, diện tích, biện pháp tưới tiêu đối với từng công trình thủy lợi; xây dựng mức TLP đối với từng công trình được đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách Nhà nước hoặc một phần vốn ngân sách. Lập dự toán kinh phí do miễn TLP năm 2009 và xây dựng mức thủy lợi phí và phí dịch vụ. Năm 2009, diện tích tưới tiêu được miễn thủy lợi phí là 155.137 ha; trong đó diện tích do các công trình của Công ty KTCTTL tỉnh quản lý là 95.139 ha (tăng 1.292 ha so với năm 2008), diện tích do HTX quản lý là 59.998 ha (tăng 5.835 ha so với năm 2008).
Nguyên nhân dẫn đến diện tích tưới tiêu năm 2009 tăng so với năm 2008 là do tăng diện tích cây vụ đông, nuôi trồng thủy sản; năm 2008 một số HTX chưa kê khai hết diện tích tưới tiêu đề nghị miễn TLP… Năm 2009, tỉnh đã cấp kinh phí tạm ứng là 14.936 triệu đồng; trong đó Công ty KTCTTL là 10.156 triệu đồng, HTX 4.780 triệu đồng.
Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện việc miễn TLP đã nảy sinh những vướng mắc. Việc quán triệt, hướng dẫn và phổ biến chính sách đối tượng áp dung miễn TLP ở một số nơi chưa sâu, nhận thức của một số cán bộ và nông dân về vấn đề này còn hạn chế, thậm chí hiểu không đúng. Một số quy định áp dụng trong Nghị định 115/2008/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn số 36/2009/TT-BTC, yêu cầu cụ thể và chi tiết vị trí cống đầu kênh của Tổ chức HTX dùng nước, danh mục và biện pháp tưới tiêu của từng công trình cụ thể nên cần phải có thời gian.
Mặt khác địa hình của tỉnh khá phức tạp, không bằng phẳng, có nhiều loại hình công trình phục vụ tưới tiêu, diện tích phục vụ còn đan xen, trùng diện tích nên việc xác định diện tích do Công ty KTCTTL và HTX phục vụ tưới tiêu còn gặp nhiều khó khăn. Đã xuất hiện tình trạng thống kê chồng chéo các vùng phục vụ giữa công ty KTCTTL tỉnh và các HTXNN, tổ hợp tác dùng nước. Một số địa phương chậm triển khai, nhiều HTX thiếu cán bộ chuyên môn để tổ chức thực hiện. Diện tích tưới tiêu kê khai ban đầu tăng so với diện tích tưới tiêu hàng năm nhưng việc đánh giá còn thiếu căn cứ…
Để đẩy nhanh tiến độ miễn TLP, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nhận thức đầy đủ, đúng đắn chính sách miễn thủy lợi phí trong toàn bộ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện. Xác định đúng đối tượng, phạm vi diện tích được miễn và không được miễn. Xác định rõ diện tích cây trồng, biện pháp tưới tiêu phù hợp với từng công trình cụ thể, tránh kê khai chồng chéo về diện tích cũng như biện pháp giữa các đơn vị quản lý thủy nông, đảm bảo tiết kiệm nước, tiết kiệm điện và chi phí phục vụ khác. Xây dựng mức phí dịch vụ lấy nước của các xã, HTX trên địa bàn thỏa thuận với các hộ dùng nước tính từ sau cống đầu kênh đến mặt ruộng. Tỉnh cũng thành lập 3 đoàn công tác xuống các địa bàn để xác định diện tích, biện pháp tưới tiêu làm cơ sở lập dự toán cấp bù miễn TLP đảm bảo đúng đối tượng của từng địa phương.
Thanh Chiên