Trước đây, vợ chồng ông Bùi Văn Dư (thôn An Ngải, xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan) nhận cấy hơn 1 mẫu ruộng. Hai vợ chồng làm nông nghiệp, nhà lại có tới 6 người con nên dù sở hữu hàng mẫu đất nhưng năm nào cũng thiếu ăn. Bí quá, ông Dư đành để lại ruộng cho vợ ở nhà cày cấy, còn mình khăn gói đi làm ăn xa.
Năm 2010, xã Quảng Lạc mở một số lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ, ông Dư về tham gia học. Ban đầu ông chọn học nghề trồng nấm vì "nghề này chi phí đầu tư thấp, có cán bộ kỹ thuật tư vấn, thị trường tiêu thụ sản phẩm lại rộng…". Nhưng có lẽ, lý do đầu tiên ấy là bắt nguồn từ sự nghèo, thế nên phải chọn nghề nào mà cần ít vốn đầu tư ban đầu.
Hoàn thành khóa học, ông Dư dựng lán để trồng nấm. Thời gian đầu, ông chỉ trồng một loại nấm rơm. Đến nay, nấm đã bắt đầu cho thu hoạch với số lượng hàng chục kg/ngày, giá bán từ 20-30.000 đồng/kg. Đặc biệt, gia đình ông Dư không phải lo tìm đầu ra bởi đã có doanh nghiệp trên thành phố tìm về tận nơi thu mua. Sản xuất có lãi, nhìn thấy rõ lợi ích, gia đình ông Dư mở rộng diện tích trồng nấm và đưa vào trồng thêm nhiều loại nấm khác như nấm mỡ, nấm rơm. Không chỉ trồng nấm ông Dư còn tham gia vào lớp dạy nghề nông nghiệp cho nông dân. Tại các lớp học này, ông được các cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách làm nghề nông một cách khoa học, hiệu quả. Từ kiến thức ấy, ông áp dụng vào trồng mía, nuôi gà… mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Hai mẫu đất của gia đình ông giờ đã trở thành mô hình kinh tế điển hình. Ông Dư phấn khởi nói: "Những tưởng học nghề chỉ để cho…có nghề, ai ngờ cái nghề ấy đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, có cơ hội vươn lên làm giàu. Tết năm nay thực sự là một cái tết ấm no và hạnh phúc nhất đối với gia đình của tôi".
Niềm vui của gia đình ông Dư có thể coi như niềm vui chung của rất nhiều lao động nông thôn tại tỉnh ta - những người thực sự đã biết tận dụng để được hưởng lợi từ "cơ hội vàng" mà Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đem lại.
Một mục tiêu của đề án là mỗi năm đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Nhận thức được tầm quan trọng ấy, tỉnh ta đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 1956 trên địa bàn tỉnh. Trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo, đối tượng được thụ hưởng, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành, phân kỳ một số nội dung quan trọng để triển khai có hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn theo Đề án. Tỉnh đã tổ chức hội nghị quán triệt Quyết định số 1956 của Chính phủ phê duyệt Đề án đến cán bộ chủ chốt trên địa bàn. Đồng thời, các huyện, thành phố, thị xã cũng tổ chức triển khai đến các đơn vị hành chính cơ sở của mình.
Cùng với đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2020. Khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của 760 doanh nghiệp lớn trên địa bàn và toàn bộ năng lực dạy nghề của 53 cơ sở dạy nghề. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 28 cơ sở đủ điều kiện dạy nghề cho lao động nông thôn. Đây chính là cơ sở quan trọng để xây dựng Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của tỉnh Ninh Bình.
Trong 5 năm, UBND tỉnh cũng đã phân bổ hơn 32 tỷ đồng, cùng với kinh phí của Trung ương để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho Trường Trung cấp nghề Nho Quan và 7 trung tâm dạy nghề cấp huyện theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, hệ thống phòng học chuyên môn, nhà xưởng thực hành nghề được cải tạo, nâng cấp, đáp ứng kịp thời công tác dạy và học nghề của các địa phương. Các cơ sở dạy nghề sử dụng có hiệu quả kinh phí, tài sản thiết bị được giao hàng năm. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.000 giáo viên dạy nghề, trong đó giáo viên có trình độ đại học và cao đẳng chiếm trên 70%, số giáo viên đạt chuẩn chiếm gần 80%. Trong 5 năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tổ chức 20 lớp bồi dưỡng kỹ năng sư phạm nghề và kỹ năng dạy học cho gần 600 giáo viên và người dạy nghề. Đồng thời, các chương trình dạy nghề cũng từng bước được hoàn thiện căn cứ vào chương trình khung của Tổng cục dạy nghề và nhu cầu của thị trường lao động. Nhiều cơ sở dạy nghề cũng đã chủ động tham khảo các chương trình đào tạo của các trường trong cả nước để phát triển chương trình đào tạo trong thời gian tới.
Quyết tâm và nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc phối hợp tuyên truyền, vận động, nhất là tích cực triển khai các chương trình, mục tiêu đã xây dựng... đạt hiệu quả thiết thực. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện đào tạo nghề cho gần 84.000 người lao động. Trong đó, đào tạo dài hạn tại các trường trung cấp và cao đẳng trên 25.000 lượt người, đào tạo ngắn hạn trên 58.000 lượt người, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh ước đạt 38%. Qua khảo sát cho thấy, các nghề đào tạo đã bám sát nhu cầu của thị trường, một số doanh nghiệp, đơn vị đã quan tâm, chú trọng hơn đến công tác tạo việc làm cho học viên sau khi kết thúc khóa học. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%.
Đặc biệt, trong những năm qua, các lớp dạy nghề theo mô hình gắn với doanh nghiệp và làng nghề truyền thống của tỉnh cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Những nghề chủ yếu như: đan cói, bèo, bẹ chuối, thêu… sau khi học xong, người lao động được làm việc tại nhà dưới hình thức doanh nghiệp đảm bảo cung cấp nguyên vật liệu, thu mua sản phẩm, thanh toán tiền công qua các vệ tinh và đại lý tại các địa phương. Thu nhập bình quân của mỗi lao động từ 1-2 triệu đồng/người/tháng. Những lao động học nghề đá mỹ nghệ, may công nghiệp sau khi học xong vào làm trong các doanh nghiệp trên địa bàn hoặc tự mở cơ sở sản xuất tại địa phương với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động gắn với làng nghề và doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển nhanh các làng nghề từ 44 làng nghề (năm 2010) lên 75 làng nghề (2014) và tăng các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh.
Những kết quả đạt được cho thấy, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn do tỉnh ta đang thực hiện đã đi đúng hướng, hứa hẹn sẽ đạt mục tiêu phấn đấu bình quân mỗi năm tuyển sinh, đào tạo khoảng 17.000 lượt người, đưa tỷ lệ qua đào tạo nghề của tỉnh đến năm 2015 đạt 40% và đến năm 2020 đạt 55%. Quan trọng hơn là đảm bảo giai đoạn 2011-2015 có 70-80% và giai đoạn 2015-2020 có 80-90% số lao động học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm.
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án vẫn còn nhiều việc cần phải làm để có thể đạt được kết quả tốt nhất, tạo ra sự hỗ trợ cao nhất, hiệu quả nhất cho những lao động nông thôn của tỉnh. Chẳng hạn như việc cần phải nâng cao nhận thức, hành động của một số địa phương đang chậm triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn so với kế hoạch của tỉnh đề ra. Hay việc đẩy nhanh hơn nữa công tác điều tra, khảo sát, tránh làm chậm tiến độ chung của tỉnh; kinh phí đầu tư cần điều chỉnh để tương xứng với yêu cầu thực tế; cơ sở vật chất của các cơ sở dạy nghề, đội ngũ giáo viên dạy nghề… cần được đầu tư đồng bộ. Từ đó, ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn trên địa bàn. Trao cơ hội nghề nghiệp cũng chính là tạo tương lai ổn định cho những lao động nông thôn. Và đó mới là ý nghĩa đích thực mà Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang hướng tới.
Đào Hằng