Ninh Bình là tỉnh được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa để phát triển sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có 75 làng nghề với các sản phẩm độc đáo, đa dạng. Một số sản phẩm đặc sản của tỉnh đã có thương hiệu riêng, được người tiêu dùng ưu thích lựa chọn như: thịt dê, cơm cháy, mắm tép, rượu Kim Sơn... Ngoài ra, Ninh Bình còn có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông sản có lợi thế như: dứa, lạc tiên, rau quả tươi, hoa và cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản....
Với những tiềm năng, lợi thế đó, bắt đầu từ năm 2018, cùng với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh tập trung nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 12 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Trong năm 2020 Ninh Bình đang tiếp tục hỗ trợ, chuẩn hóa 12 sản phẩm OCOP. Bên cạnh phát triển thêm các sản phẩm theo kế hoạch, tỉnh ta đang tập trung công tác giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP.
Ðể thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP, Sở Công thương đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền và giới thiệu về các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Tham mưu UBND tỉnh tổ chức kết nối cung cầu, tạo lập thị trường cho các sản phẩm OCOP chủ lực và tập huấn về thị trường để trang bị cho các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP thêm kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, điều hành và phát triển sản phẩm.
Ông Trần Đại Nghĩa, Trưởng phòng Xúc tiến Thương mại, Trung tâm Khuyến công xúc tiến thương mại và phát triển cụm công nghiệp (thuộc Sở Công thương) cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, các hoạt động xúc tiến thương mại của Trung tâm luôn hướng đến và ưu tiên các sản phẩm OCOP của tỉnh. Riêng năm 2020, Trung tâm đã tổ chức thành công 3 phiên chợ đưa hàng Việt về huyện Kim Sơn, huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp với sự tham gia của nhiều gian hàng sản phẩm đã được chứng nhận OCOP.
Đồng thời, xây dựng các gian hàng và hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia Hội chợ Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại tỉnh Quảng Ninh, Hội chợ quảng bá, tiêu thụ nông đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP tại Hà Nội năm 2020.
Tham gia các hội chợ, Ninh Bình có nhiều gian hàng trưng bày, giới thiệu nhiều đặc sản địa phương đã và đang được chuẩn hóa OCOP như: Trà hoa vàng, trạch sụn kho niêu đất, cơm cháy, nước hoa quả đóng hộp, Gốm Bồ Bát và các sản phẩm thêu ren…
Việc tham gia hội chợ sẽ giúp các doanh nghiệp, HTX có cơ hội quảng bá tiêu thụ sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng ở các tỉnh lân cận, đưa hàng vào tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn. Dự kiến những tháng cuối năm, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tổ chức cho các Doanh nghiệp, HTX có sản phẩm OCOP tham gia trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ thương mại nông sản, Hội chợ công thương được tổ chức tại các tỉnh Hòa Bình, Khánh Hòa; Sơn La; Kon Tum...
Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, HTX, các chủ thể sản phẩm OCOP cũng chủ động xây dựng kế hoạch quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm của đơn vị.
Ông Lê Hữu Hảo, Chủ doanh nghiệp Tư nhân sản xuất thực phẩm Phương Linh (thành phố Tam Điệp) cho biết: Xác định xúc tiến thương mại là một giải pháp rất quan trọng, góp phần đưa sản phẩm đến gần với khách hàng, thị trường, do vậy doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Bên cạnh việc tận dụng cơ hội và sự hỗ trợ của các cấp, ngành tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp còn xây dựng Websize riêng để quảng bá thương hiệu sản phẩm. Nhờ đó đã có nhiều khách hàng cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đến sản phẩm cơm cháy đạt chuẩn OCOP của doanh nghiệp. Ðến nay, sản phẩm cơm cháy Phương Linh đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và trở thành mặt hàng yêu thích của khách hàng khi đi du lịch.
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP của tỉnh bước đầu được người tiêu dùng nhận diện thương hiệu và hưởng ứng sử dụng, tạo hiệu ứng tốt về thị trường.
Thời gian tới, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa hơn vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử... của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hồng Giang