PV: Thành phố Ninh Bình được đánh giá là địa phương có bước chuyển mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa hành chính, xin đồng chí cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Đ/c Đinh Thị Mỹ Hạnh: Xác định cải cách hành chính có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển cũng như thu hút đầu tư của thành phố, thời gian qua các cấp, ngành, các xã, phường trên địa bàn thành phố đã tích cực, chủ động triển khai công tác này, trọng tâm là thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ban hành các kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. Cùng với đó, thành phố tập trung xây dựng và triển khai chính quyền điện tử, đẩy mạnh triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Cụ thể: đã thực hiện kết nối tất cả các đầu mối vào hệ thống, phục vụ cho việc trao đổi thông tin trong hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành, hệ thống một cửa điện tử.
Quá trình thực hiện, thành phố đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của các cán bộ, công chức. Thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá sự hài lòng của người dân tại Trung tâm một cửa thành phố và UBND các xã, phường trên địa bàn, đồng thời tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống một cửa điện tử.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên, thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực đã được đơn giản hóa, kết quả giải quyết hồ sơ được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt trên 97%.
PV: Hiện nay, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử. Chủ trương này đã được thành phố Ninh Bình triển khai thực hiện như thế nào?
Đ/c Đinh Thị Mỹ Hạnh: Thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Chính phủ, kế hoạch của tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và căn cứ vào tình hình thực tế tại của địa phương, thành phố Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, sớm ban hành kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử, phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Theo đó, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Ninh Bình do đồng chí Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban, ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và thành lập Tổ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử thành phố. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ đáp ứng của cơ sở hạ tầng, có phương án đầu tư các thiết bị đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của các đơn vị trên địa bàn thành phố. Thành phố cũng đã ban hành kế hoạch, tổ chức thành lập đoàn và đang triển khai kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tại UBND các xã, phường và các phòng, ban đơn vị thuộc UBND thành phố .
Cán bộ làm việc tại Trung tâm một cửa liên thông thành phố Ninh Bình luôn có thái độ niềm nở, trách nhiệm khi thực thi công vụ. Ảnh: Trường Giang
Đến nay, các nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử đã cơ bản đảm bảo theo đúng tiến độ của kế hoạch đặt ra. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý văn bản trên hệ thống điều hành điện tử và sử dụng chứng thư số cho tổ chức và cá nhân tại các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, phường trên địa bàn đã đạt được kết quả tốt.
PV: Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thực hiện những nhóm nhiệm vụ, giải pháp nào để hướng tới chính quyền điện tử, thành phố thông minh, tạo môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp?
Đ/c Đinh Thị Mỹ Hạnh: Để góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả hơn, chúng tôi xác định phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Làm được việc này, trước mắt, thành phố Ninh Bình sẽ ưu tiên phát triển CNTT ở một số lĩnh vực có đủ điều kiện nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các ngành, các cấp. Đồng thời tiếp tục cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thông tin đồng bộ, hiện đại; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin nhằm đảm bảo cho sự phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn hiện nay.
Hiên nay thành phố đang nghiên cứu triển khai xây dựng hệ thống giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông trên các tuyến đường chính của thành phố nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Trên cơ sở lộ trình, kế hoạch của UBND tỉnh thành phố tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng và doanh nghiệp trong việc cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh phục vụ cho nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân .
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Ngọc