Phóng viên (P.V): Thể thao ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống người dân. Xin đồng chí cho biết nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa chung nhất của Ngày thể thao Việt Nam?
Đ/c Nguyễn Văn Giáp: Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà độc lập, vào ngày 27-3 -1946 thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh Niên và Thể Dục nằm trong bộ Quốc gia giáo dục. Cũng ngày 27-3 trên Báo Cứu Quốc, Việt Nam khỏe và nhiều tờ báo khác đăng lời "Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: sức khỏe và thể dục" Người nói: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công"... "Dân cường thì nước thịnh".
Đây là văn kiện lịch sử đầu tiên, được coi như cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nơi trong cả nước dấy lên phong trào "Khỏe vì nước" rầm rộ trong năm 1946. Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 29-1-1991 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27-3 hằng năm làm "Ngày Thể thao Việt Nam". Nhân dịp Ngày thể thao Việt Nam hàng năm nhằm động viên thu hút mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hóa thể thao tích cực lành mạnh.
PV: Người dân là chủ thể của các hoạt động thể thao quần chúng, xin đồng chí cho biết thực trạng của hoạt động thể thao quần chúng tại Ninh Bình trong năm qua?
Đ/c Nguyễn Văn Giáp: Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục được duy trì thường xuyên sâu rộng và ngày càng có chất lượng phát triển theo hướng xã hội hóa TDTT. Kết quả ước thực hiện đến hết tháng 10 năm 2013: Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 27%; tỷ lệ số gia đình thể thao đạt 23%; có trên 550 CLB TDTT cơ sở hoạt động thường xuyên; 100%số trường thực hiện giáo dục thể chất đảm bảo chất lượng; 82,8% số trường hoạt động ngoại khóa thường xuyên. 98% chiến sỹ trong lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định.
Hệ thống cơ sở vật chất sân bãi, điểm vui chơi, trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho TDTT tiếp tục được nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới được tăng nhanh, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 800 sân thi đấu cầu lông ngoài trời, 111 nhà tập cầu lông, 67 sân quần vợt. Hơn 100 sân thể thao đã được cấp giấy chứng nhận và đã hoạt động thường xuyên, có hiệu quả đã thu hút được đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia tập luyện hàng ngày để nâng cao sức khỏe như: Đi bộ, chạy, thể dục dưỡng sinh, thể dục thẩm mỹ, thể hình, aerobic, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, đá cầu, võ vật, bơi, kéo co, cờ tướng…
Một số môn thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian cũng đã được nhiều địa phương đưa vào tổ chức tại các Lễ hội truyền thống của địa phương. Hàng năm trong tỉnh đã tổ chức hàng nghìn các cuộc thi đấu và hoạt động TDTT ở cấp cơ sở, hàng trăm giải thi đấu ở cấp tỉnh, cấp ngành và đăng cai tổ chức nhiều giải cấp quốc gia, tập trung vào các môn như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lồng, quần vợt, bóng bàn... Đã thu hút đông đảo các VĐV tham gia và đông đảo nhân dân đến xem, cổ vũ thiết thực phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương.
PV: Từ thực trạng ấy xin đồng chí cho biết những giải pháp để thúc đẩy việc tập luyện thể dục thể thao trong nhân dân phát triển mạnh hơn?
Đ/c Nguyễn Văn Giáp: Thể thao quần chúng là hoạt động thường xuyên, lâu dài cho nên để thúc đẩy hoạt động này cần có nhiều giải pháp tổng thể. Trong bối cảnh hiện tại chúng tôi tập trung vào các giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, làm cho nhân dân nhận thức đựợc rõ mục đích, ý nghĩa của việc luyện tập TDTT. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và toàn dân trong việc thực hiện công tác xã hội hóa TDTT nhằm thực hiện tốt, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác TDTT để mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao phù hợp và luyện tập thường xuyên hàng ngày. Đồng thời tích cực tham gia xây dựng phong trào.
Thứ hai: tăng cường các thiết chế văn hóa- thể thao ở các cấp, trong đó chú trọng đến thể thao cơ sở. Tiếp tục nâng cấp, sửa chữa, đầu tư xây dựng mới các cơ sở vật chất phục vụ TDTT theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tăng cường hiệu quả sử dụng. Trong đó có sân bãi, nhà tập, điểm vui chơi, khu văn hóa, thể thao, các trang thiết bị dụng cụ phục vụ tập luyện TDTT. Ngoài ra còn khuyến khích việc tăng cường phát triển các dịch vụ thể thao tại các doanh nghiệp, các cơ sở tư nhân, các cơ sở kinh doanh…
Thứ ba: từng bước kiện toàn bộ máy quản lý và đơn vị sự nghiệp TDTT, đồng thời với việc tăng cường cơ chế, chính sách đối với cán bộ làm công tác TDTT. Quan tâm việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và phát triển hệ thống đội ngũ, cộng tác viên TDTT ở cơ sở để hướng dẫn tập luyện và tổ chức các hoạt động TDTT ở cơ sở. Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để phát huy tốt đội ngũ giáo viên TDTT ở các trường học.
Thứ tư: là tiếp tục kiện toàn, củng cố và phát triển các mô hình hoạt động thể thao, các Liên đoàn, các câu lạc bộ với một môn thể thao hoặc nhiều môn thể thao tại các đơn vị cơ sở như xã, phường, thôn, xóm, các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, trường học… Lưu ý quan tâm đến những mô hình hay, hiệu quả chọn làm điểm để nhân rộng.
Thứ năm: tăng cường tổ chức hệ thống giải thi đấu trong năm của các cấp, các ngành, các địa phương với nhiều hình thức để người tập thể thao có thể giao lưu học hỏi, động viên khuyến khích và duy trì phong trào tập thể thao bền vững, thường xuyên.
Thứ sáu: đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT, trong đó chú trọng xã hội hóa việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; xã hội hóa về các dịch vụ thể thao, các hoạt động tổ chức thi đấu. Huy động các nguồn lực xã hội để đáp ứng nhu cầu luyện tập ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân và phong trào hiện nay.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí
Mai Phương (Thực hiện)