Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.280 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số 130 nghìn lao động; trong đó có 19 doanh nghiệp nhà nước, 17 doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, 29 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 2.215 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất là Công ty TNHH Giầy Adora (KCN Tam Điệp) với 7.097 lao động. Thu nhập bình quân của người lao động là 4,8 triệu đồng/người/tháng. Nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp và người lao động những nội dung cơ bản của các bộ luật như Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1-5-2013, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 và các văn bản dưới luật mới được ban hành, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời hướng dẫn Công đoàn cơ sở giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, việc đóng BHXH, BHYT, BHTN trong doanh nghiệp; nâng cao kỹ năng đàm phán để bổ sung thỏa ước lao động có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Tăng cường cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp về cơ sở trợ giúp công đoàn cơ sở trong tổ chức thương lượng, đối thoại với doanh nghiệp, tư vấn cho người lao động trong thực hiện hợp đồng lao động. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, giao lưu đối thoại, tuyên truyền về pháp luật lao động, quan hệ lao động, Luật Bảo hiểm xã hội cho 350 người là công chức, viên chức, người lao động và chủ sử dụng lao động trong các cơ quan, đơn vị; hướng dẫn 31 doanh nghiệp xây dựng nội quy lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Cùng với đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các ban, ngành chức năng tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật và thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở, doanh nghiệp có sử dụng lao động. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiếp nhận đơn thư và nhiều ý kiến thắc mắc về các vấn đề tiền lương, tiền thưởng, BHXH, hợp đồng lao động, kỷ luật lao động..., từ đó các cấp công đoàn đã tích cực chủ động và phối hợp với các ngành chức năng giải quyết kịp thời, thỏa đáng các đơn thư, kiến nghị nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Ông Lê Đình Việt, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, trong năm 2015, Liên đoàn Lao động tỉnh đã kiểm tra việc thực hiện Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn ở 5 đơn vị sử dụng từ 300 đến 1.700 lao động như: Công ty xi măng Hướng Dương, Nhà máy xi măng Duyên Hà, Công ty TNHH tập đoàn Hoàng Phát The Vissai, Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Lộc...
Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động, trả lương (trong đó có lương thử việc); bố trí thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi (trong đó có việc áp dụng thời gian thử việc)… cơ bản đảm bảo theo quy định. Các doanh nghiệp cũng đã xây dựng nội quy lao động; thang lương, bảng lương, định mức lao động và thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động theo đúng quy định, cơ bản đảm bảo theo quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với cơ quan quản lý Nhà nước cũng như đối với người lao động (như: xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm; huấn luyện công tác ATVSLĐ; khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; thành lập Hội đồng bảo hộ lao động và mạng lưới an toàn vệ sinh viên; bố trí cán bộ làm công tác an toàn; thực hiện phân loại lao động để đảm bảo các chế độ cho người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân…). Không có doanh nghiệp nào nợ BHXH và để xảy ra tranh chấp lao động. Thực hiện các quy định về chế độ, chính sách đối với lao động nữ cơ bản đảm bảo theo quy định của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bố trí công việc phù hợp.
Tuy nhiên, ở các đơn vị cũng bộc lộ một số hạn chế như: các nội dung của hợp đồng lao động còn chưa cụ thể; có doanh nghiệp chưa tiến hành đăng ký nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động có thẩm quyền theo quy định; có doanh nghiệp đã xây dựng nội quy lao động nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2012. Các doanh nghiệp đã xây dựng Thỏa ước lao động tập thể nhưng bản thỏa ước chỉ là sao chép luật, chưa có quy định có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật…
Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế của các doanh nghiệp, đoàn giám sát yêu cầu các doanh nghiệp tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn, khắc phục, sửa chữa và thực hiện đúng những quy định của pháp luật lao động và Luật Công đoàn trong thời gian tới.
Nguyễn Hùng