Hơn 1 năm nay, chị Tạ Thị Ngoan, Phòng Hành chính Nhân sự, Công ty TNHH CN Chia Chen (Khu công nghiệp Khánh Phú, huyện Yên Khánh) không phải thường xuyên lên Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh để hoàn thiện các thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Công ty.
Chị Ngoan cho biết: Công ty tôi là doanh nghiệp có lao động là người nước ngoài, khi đăng ký qua mạng điện tử giúp chúng tôi có thể tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí, đồng thời chủ động thời gian để đưa những dữ liệu lên mà không phụ thuộc vào giờ hành chính của cơ quan Nhà nước.
Đồng chí Đinh Thị Lan Anh, chuyên viên Phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Thực hiện cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài qua mạng điện tử không chỉ thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động nước ngoài mà giúp cán bộ, chuyên viên Phòng Quản lý doanh nghiệp chúng tôi giảm thời gian gặp trực tiếp doanh nghiệp hướng dẫn thủ tục đăng ký; thời gian cấp phép đã rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 5 ngày…
Hiện nay, toàn tỉnh có 64 doanh nghiệp hoạt động tại 5 khu công nghiệp của tỉnh (Khu công nghiệp Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp, Phúc Sơn, Khánh Cư), trong đó có 33 doanh nghiệp có lao động nước ngoài với trên 300 người.
Đồng chí Trần Mạnh Hiển, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Xác định cải cách hành chính là một trong nhiệm vụ hết sức quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp cụ thể phân công tổ chức triển khai thực hiện.
Trong đó, Ban chỉ đạo các bộ phận, các lĩnh vực chuyên môn có liên quan, đặc biệt cán bộ, viên chức tập trung rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian, chi phí, việc đi lại cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa và phòng chuyên môn có liên quan để hạn chế tình trạng chậm, quá hạn các văn bản hành chính cần xử lý. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính cũng như việc xây dựng chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh.
Hiện nay, Ban duy trì phần mềm I-office trong quản lý, điều hành tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng như giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, cung ứng dịch vụ trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp mức độ 2, 3, 4 qua hệ thống một cửa điện tử và áp dụng một số phần mềm khác trong quản lý điều hành của Ban, như phần mềm kế toán, quản lý nhân sự, cấp phép đầu tư.
Năm 2018, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã phối hợp với Cục Việc làm - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn việc cấp giấy phép lao động qua mạng điện tử cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Sau khi tập huấn, Ban đã triển khai việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài bắt đầu từ tháng 6/2018.
Đến nay, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài qua mạng điện tử cho 181 người, cấp lại cho 63 người và xác nhận lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho 2 người.
Thời gian tới, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp với Cục Việc làm - Bộ Lao động, Thương binh và xã hội rà soát, hoàn chỉnh phần mềm cấp phép lao động qua mạng điện tử, giúp doanh nghiệp thuận lợi và dễ dàng hơn trong thực hiện thủ tục cấp phép.
Bài, ảnh: Tiến Minh