Trong những năm qua, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý Nhà nước và đã mang lại những kết quả bước đầu, góp phần tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy KT - XH phát triển. Trong đó, việc ứng dụng các phần mềm tiện ích trong tiếp nhận và xử lý các TTHC, tiêu biểu như: các phần mềm E -office, phầm mềm quản lý văn bản, phần mềm "Một cửa điện tử", phần mềm quản lý hộ tịch, hộ khẩu… đã và đang giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức trong quá trình lập, chuyển các loại báo cáo, văn bản nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, thuận tiện và minh bạch trong hoạt động điều hành của các cơ quan hành chính. Tại Sở Thông tin và Truyền thông, quy trình xử lý TTHC đã có sự thay đổi đáng kể, với việc ứng dụng phần mềm E -office, nhân viên văn phòng thay vì phải phôtô công văn, giấy tờ ra thành nhiều bản chuyển đến các phòng, ban, cán bộ liên quan và ban giám đốc như trước đây, chỉ cần đưa vào máy scan, văn bản được lưu lại dưới dạng tập tin tài liệu. Từ đây, thông qua mạng Internet nội bộ, văn bản được chuyển đến tất cả những người liên quan. Lãnh đạo sau khi xem xét sẽ phân công các bộ phận, cá nhân liên quan giải quyết; trình tự thời gian giải quyết cũng được ấn định và nhắc nhở thời điểm hoàn thành… Một điều rất tiện lợi là từ các đồng chí lãnh đạo cho đến cán bộ, nhân viên nếu đi công tác xa, không có mặt tại sở vẫn có thể nắm được tình hình và giải quyết công việc bằng cách truy cập vào hệ thống nội bộ qua tài khoản của mình. Bên cạnh đó, mỗi tháng đơn vị đã tiết kiệm được một lượng lớn giấy, mực dùng để phôtô văn bản.
Hiện nay nhiều sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã triển khai ứng dụng phần mềm hỗ trợ điều hành công việc hàng ngày như: Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Sở Công thương và UBND các huyện Kim Sơn, Gia Viễn, Yên Mô, thị xã Tam Điệp... Theo ông Nguyễn Tử Tiến Lợi, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông, qua khảo sát, đến nay đã có 17 đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai phần mềm E -office và các phần mềm ứng dụng khác trong việc tiếp nhận và xử lý các TTHC. Sau gần 2 năm triển khai ứng dụng, tại một số nơi còn gặp khó khăn do hệ thống máy tính chưa đồng bộ, cán bộ, công chức chưa quen nên vấp phải một số trục trặc kỹ thuật thông thường... Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị đều khẳng định ưu điểm của các phần mềm hỗ trợ điều hành công việc, nhiều nơi coi đó là một cuộc "cách mạng" thực sự trong việc tiếp nhận và xử lý các TTHC.
Ông Bùi Ngọc Hải, cán bộ phụ trách Bộ phận "Một cửa" huyện Gia Viễn cho biết: Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý đã giải phóng rất nhiều sức lao động cho cán bộ các cơ quan, ban, ngành trong huyện, nhờ đó quy trình xử lý công việc nhanh chóng và khoa học hơn rất nhiều. Ngoài ra, Gia Viễn còn đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các ứng dụng các phần mềm trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và hay xảy ra sai sót như quản lý hộ tịch, hộ khẩu.
Bên cạnh các phần mềm quản lý hộ tịch, hộ khẩu và E -office, phần mềm "Một cửa điện tử" được triển khai tại UBND thành phố Ninh Bình và các huyện, thị xã đã tạo ra bước "đột phá" trong công tác cải cách TTHC. Đặc biệt là đã giảm được thời gian xử lý công việc cho cán bộ tiếp nhận và thụ lý, thống kê và quản lý hồ sơ khoa học, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính, đồng thời cung cấp các công cụ giúp người dân có thể dễ dàng tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua hệ thống mã vạch đặt tại bộ phận "Một cửa" hoặc qua mạng Internet.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc ứng dụng CNTT ở một số đơn vị vẫn còn có hạn chế. Hạ tầng mạng, nguồn nhân lực CNTT trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc còn thấp. Đặc biệt, do thói quen ngại thay đổi phương thức làm việc của một số bộ phận cán bộ, công chức ở cơ sở còn là rào cản lớn. Đó cũng là lý do đến nay, dù hệ thống máy tính ở nhiều đơn vị cấp sở, huyện đã tương đối đầy đủ nhưng tiện ích của các phần mềm hỗ trợ vẫn chưa được khai thác hết.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động Nhà nước nói chung và xử lý các TTHC nói riêng, thời gian tới các đơn vị cần tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về CNTT, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng mạng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức... Qua đó góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp, khơi thông các nguồn lực thúc đẩy KT- XH của tỉnh phát triển.
Quốc Khang