Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, phải chi phí lớn khi nằm viện, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh (KCB) chu đáo, đỡ tốn kém về kinh tế.
Với nhiều ưu việt như thế, nhưng hiện nay tỷ lệ người tham gia BHYT không cao. Trên phạm vi cả nước, tính đến tháng 12-2014, có 64,8 triệu người tham gia BHYT bằng 71% dân số. ở tỉnh Ninh Bình, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, đến hết năm 2014 có 607.093 người tham gia BHYT bằng 66,5% dân số, trong đó có thể hiểu là đa phần người tham gia BHYT thuộc diện đối tượng chính sách; cán bộ hưu trí; công chức, viên chức; người lao động tại các doanh nghiệp; học sinh, sinh viên; người nghèo; trẻ em dưới 6 tuổi. Điều đáng nói là số doanh nghiệp và số những người đáng phải tham gia BHYT thì lại ít tham gia. Hết năm 2014, mới chỉ có 843 doanh nghiệp bằng 49,5% số doanh nghiệp với 48.462 lao động bằng 55% tổng số lao động trong các doanh nghiệp tham gia BHYT. Số các hộ gia đình, lao động làm nghề tự do, buôn bán nhỏ, làm nghề nông… tham gia BHYT tự nguyện còn thấp chiếm khoảng 14,2% số người trong diện tham gia. Toàn tỉnh vẫn còn trên 350 nghìn người chưa tham gia BHYT, mặc dù cho đến nay, Ninh Bình là một trong số ít tỉnh trong cả nước được có chủ trương dùng ngân sách địa phương hỗ trợ để 100% người cận nghèo và người cao tuổi từ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi tham gia BHYT. Một câu hỏi được đặt ra là vì sao chính sách BHYT trên thực tế lại không đủ sức thu hút các đối tượng tham gia? Câu trả lời có thể là: về mặt chủ quan, do còn một bộ phận lớn người dân chưa hiểu hết được giá trị của tấm thẻ BHYT. Khi ai đó mắc bệnh hiểm nghèo, phải nằm viện dài ngày thì mới thấy được giá trị của người có BHYT, nhất là đối với người nghèo. Một bộ phận người dân còn có tâm lý chủ quan, khi chưa ốm đau thì chưa cần thẻ BHYT, nhất là trong điều kiện mức đóng BHYT hiện nay hơi cao so với nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng không thuộc diện nghèo để được cấp thẻ BHYT. Về mặt khách quan, do tình trạng quá tải ở bệnh viện các tuyến, các thủ tục KCB còn nhiều vướng mắc khiến người dân chưa mấy mặn mà với BHYT. Chất lượng KCB ở một số cơ sở y tế, nhất là cơ sở KCB ban đầu chưa đáp ứng nhu cầu, chưa tạo được lòng tin trong nhân dân dẫn đến tình trạng vượt tuyến, khiến chi phí thanh toán đa tuyến tăng cao. Đặc biệt, có những nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương còn thờ ơ với việc triển khai BHYT. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc chính sách BHYT cho người lao động, tình trạng nợ, trốn đóng BHYT diễn ra ngày càng phức tạp. Trong khi đó, công tác tuyên truyền về các chính sách BHYT còn chưa thực sự được đẩy mạnh và sâu rộng đến người dân. Nhiều người dù tham gia BHYT vẫn chưa hiểu rõ các quyền lợi mình được hưởng hay nghĩa vụ mình phải thực hiện.
Để thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012- 2020 và Luật BHYT cùng các văn bản của Trung ương về thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, trước hết cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm rõ sự cần thiết, ý nghĩa tác dụng của BHYT đối với đời sống xã hội nhằm nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người, trong đó tập trung vào các đối tượng là những người lãnh đạo, quản lý ở địa phương, doanh nghiệp để họ nắm rõ, tuyên truyền, vận động, triển khai ở đơn vị vị mình. Ngành BHXH tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú… để người dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHYT. Ngành y tế bên cạnh việc nâng cao chất lượng KCB tại các tuyến y tế cần tăng cường chỉ đạo thực hiện việc đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính trong việc thực hiện chính sách BHYT, nhất là thủ tục hành chính trong khâu tổ chức, đón tiếp bệnh nhân KCB bằng thẻ BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Các ngành chức năng tiến hành giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về BHYT tại các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động và các cơ sở KCB trên địa bàn. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHYT, nhất là các hành vi trục lợi từ quỹ BHYT tại các cơ sở KCB BHYT, từ chối ký hợp đồng KCB BHYT đối với cơ sở KCB vi phạm. Với sự quan tâm vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp có liên quan, hy vọng Ninh Bình sẽ hoàn thành được mục tiêu đến năm 2020 có 85% số dân tham gia BHYT.
Nguyễn Đông