Tuy nhiên, nhiệm vụ công tác này cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế bất cập. Trong đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao. Tầm vóc người Việt Nam chậm được cải thiện. Số năm sống khỏe chưa tăng tương ứng với tuổi thọ. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng và chiều cao ở trẻ em dưới 5 tuổi tỉnh Ninh Bình hàng năm có giảm nhưng rất chậm, đặc biệt là thể thấp còi, các tỷ lệ này vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung toàn quốc.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có một nguyên nhân rất quan trọng đó là: Nhận thức về vai trò, vị trí của công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung và công tác dinh dưỡng nói riêng, có nơi, có lúc chưa đầy đủ, sâu sắc; chưa coi công tác này là một trụ cột phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Mục tiêu tổng quát mà kế hoạch số 14/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 13/2/2018 về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã chỉ rõ: Phấn đấu đến năm 2020 tình hình dinh dưỡng của người dân tỉnh Ninh Bình được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh. Ưu tiên đối tượng bà mẹ và trẻ em phải được nuôi dưỡng, chăm sóc hợp lý, đảm bảo chất lượng. Công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là phòng, chống suy dinh dưỡng thể thấp còi được đẩy mạnh, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam. Kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì góp phần hạn chế các bệnh mãn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng.
Để thực hiện mục tiêu quan trọng trên, kế hoạch cũng đề ra những mục tiêu cụ thể, rõ ràng phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Đặc biệt là với rất nhiều giải pháp cụ thể, có tính khả thi để triển khai thực hiện như: Về cơ chế, chính sách; về nguồn lực; về chuyên môn kỹ thuật; công tác phối hợp liên ngành... Trong đó giải pháp về truyền thông công tác dinh dưỡng trong tình hình mới là vô cùng quan trọng. Phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông, đa dạng hóa các loại hình truyền thông, phương tiện, hình thức truyền thông để tuyên truyền đến người dân hiệu quả nhất.
Nội dung truyền thông cần đi sâu vào nâng cao kiến thức về tầm quan trọng của công tác dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất và trí tuệ cho các cấp lãnh đạo, nhà quản lý; nâng cao kiến thức cộng đồng về dinh dưỡng hợp lý cho từng nhóm đối tượng, nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình thông qua mô hình VCA; hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho 1.000 ngày đầu đời của trẻ, dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và cho con bú, nuôi con bằng sữa mẹ, thực hành kỹ thuật chế biến và chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bà mẹ có con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì; tuyên truyền về vai trò chất dinh dưỡng với sức khỏe nhân dân. Vận động người dân mua, sử dụng các sản phẩm thực phẩm có chứa hoặc đã bổ sung vi chất dinh dưỡng; phòng, chống thiếu Vitamin A, thiếu máu dinh dưỡng và thiếu hụt I-ốt...
Công tác dinh dưỡng trong thời kỳ mới là nhiệm vụ của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị cùng chung tay phối hợp, huy động các nguồn lực thực hiện, góp phần nâng cao tầm vóc người Việt Nam và phát triển bền vững.
Nguyễn Kim