Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATVSLĐ, từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã nâng Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động- phòng chống cháy nổ thành Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, nhằm tạo ra phong trào quần chúng rộng lớn, nâng cao nhận thức, tuân thủ và thực thi có hiệu quả Luật An toàn vệ sinh lao động, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai các chương trình hành động cụ thể, thiết thực để cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe của người lao động, đảm bảo an toàn tại nơi làm việc, chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp….
Năm nay, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động diễn ra từ ngày 01 đến ngày 31/5/2019 với chủ đề "Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc". Đây là một trong những hành động cụ thể nhằm thực hiện chủ trương phát triển phải bền vững, phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an toàn sức khỏe, nâng cao chất lượng sống và điều kiện làm việc cho người lao động, nhằm hướng tới mục tiêu là chăm lo và bảo vệ sinh mạng và sức khỏe người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và của cả xã hội.
Ở tỉnh Ninh Bình, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh mà trực tiếp là Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động tỉnh, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp nên công tác đảm bảo ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ đã có những chuyển biến tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thanh, kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ được đặc biệt coi trọng.
Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư kinh phí cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, mua sắm các trang, thiết bị phục vụ công tác ATVSLĐ, xây dựng đội ngũ an toàn viên, dành thời gian tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện nghiệp vụ an toàn, phòng ngừa tai nạn lao động, phòng, chống cháy nổ; chủ động triển khai thực hiện việc khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động….
Tuy vậy, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSLĐ như: chưa quan tâm đầu tư trang, thiết bị cải thiện điều kiện, môi trường làm việc và chăm sóc sức khỏe cho người lao động; việc kiểm định các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại không ít doanh nghiệp chưa được thực hiện thường xuyên. Nhận thức của cả chủ doanh nghiệp và một số người lao động còn chủ quan, chưa thực hiện đúng các quy định về ATLĐ trong quá trình lao động, sản xuất....
Và hệ quả tất yếu là xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động đáng tiếc. Năm 2017 trên địa bàn tỉnh xảy ra 96 vụ tai nạn lao động làm 106 người bị nạn, trong đó có 4 vụ tai nạn làm 4 người chết, 10 người bị thương nặng; thiệt hại về tài sản là 329,5 triệu đồng. Năm 2018 xảy ra 59 vụ tai nạn lao động làm 62 người bị nạn, trong đó có 3 vụ tai nạn làm 4 người chết, 2 người bị thương nặng; thiệt hại về tài sản là 1,8 tỷ đồng. Những thiệt hại đó là nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho cả doanh nghiệp và chính người lao động, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để thực hiện tốt Tháng hành động về ATLĐ và đảm bảo an toàn lao động trong suốt quá trình, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do tai nạn lao động gây ra, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác ATVSLĐ cho cả chủ doanh nghiệp và người lao động. Trước mắt là thực hiện nghiêm túc chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019. Tổ chức đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm trong quá trình lao động sản xuất tại từng doanh nghiệp.
Chủ doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ, chính sách, quy định của pháp luật về an toàn lao động.Tập trung huấn luyện các kỹ năng đảm bảo ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ. Vận động mọi người chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các nội quy, quy trình, biện pháp an toàn, vệ sinh lao động, giữ cho nơi làm việc, nhà xưởng luôn sạch sẽ, bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực và trong doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng đội ngũ an toàn viên, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác ATVSLĐ, nhất là đối với các công việc có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại, các phân xưởng sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và những nơi dễ xảy ra cháy nổ trong doanh nghiệp.
Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đo kiểm tra môi trường lao động và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách về bảo hộ lao động cho người lao động. Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện nội quy lao động sản xuất, đảm bảo "an toàn để sản xuất và sản xuất phải an toàn".
Nguyễn Đông