Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 15,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2012 và đạt 95,7% kế hoạch cả năm. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bị mưa lớn của các cơn bão số 5, số 6 và dịch bệnh trong vụ mùa. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt 2.199 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), giảm 0,63% so với năm 2012. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song thu ngân sách năm 2013 đạt 2.855 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch HĐND tỉnh giao, tăng 11,7% so với thực hiện năm 2012. Trong đó thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách ước đạt 2.025 tỷ đồng, đạt 100% dự toán, tăng 10,6% so với năm 2012. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ có nhiều khởi sắc. Hoạt động thương mại phát triển, hàng hóa phong phú, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,4% so với năm 2013. Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5% so với tháng 12 năm 2012, thấp hơn so với mức tăng bình quân cả nước.
Hoạt động giao thông vận tải đã phục vụ tương đối tốt nhu cầu vận chuyển và đi lại của nhân dân. Hoạt động tín dụng có tiến bộ, duy trì ổn định lãi suất cho vay dưới 10%; nguồn vốn huy động trong năm ước đạt 43.563 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Chuyển biến và khởi sắc rõ nét nhất là hoạt động xuất nhập khẩu và du lịch. Xuất nhập khẩu tăng mạnh, kim ngạch xuất khẩu tăng 23,6% so với năm 2012. Kim ngạch nhập khẩu tăng 1,3% so với năm 2012.
Về du lịch, tuy chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nhưng số khách du lịch đến Ninh Bình vẫn đạt 4,4 triệu lượt, tăng 18,5% so với năm 2012, doanh thu tăng 15,2%. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường; an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch được đảm bảo. Cơ sở hạ tầng các khu du lịch tiếp tục được đầu tư. Chất lượng dịch vụ du lịch được cải thiện, đặc biệt là dịch vụ lưu trú chất lượng cao.
Lĩnh vực văn hóa xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo. Chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên, tỉ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi tăng. Phong trào khuyến học, khuyến tài, công tác xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh. Công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học toàn tỉnh đạt 83,5%. Công tác y tế chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm triển khai đồng bộ và có hiệu quả; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm; nâng cao y đức, giảm thủ tục hành chính, từng bước áp dụng các kỹ thuật mới, hiện đại vào khám, chữa bệnh cho nhân dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh, hướng vào các sự kiện chính trị, văn hóa xã hội của đất nước, quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư của tỉnh. Các cuộc vận động về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở khu dân cư, khu du lịch được quan tâm chỉ đạo; các hương ước, quy ước được thực hiện khá tốt. Thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì, thể thao thành tích cao đạt kết quả tốt. Công tác truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình từng bước nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, kịp thời phản ánh tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các sự kiện trọng đại của đất nước, của địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân. Hoạt động khoa học công nghệ - môi trường đã có những chuyển biến tích cực. Công tác an sinh xã hội năm qua có nét mới là tỉnh đã ban hành một số chính sách quan tâm đến một số đối tượng. Công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện có hiệu quả ở tất cả các địa phương, đặc biệt tại 23 xã nghèo trọng điểm của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn 5,56%. Các hoạt động trợ giúp cho người nghèo, người khó khăn trong xã hội được đẩy mạnh. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và chăm sóc người có công được quan tâm. Công tác dạy nghề tiếp tục được đổi mới và công tác tạo việc làm được thực hiện có hiệu quả, đã giải quyết việc làm cho gần 19.000 lao động.
Cùng với các kết quả kinh tế - xã hội, trong năm qua, tỉnh ta cũng đã đạt được một số thành tựu nổi bật khác như: Ninh Bình được xếp trong top 10 tỉnh của cả nước về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và hết năm 2013, có 3 xã hoàn thành 19 tiêu chí, được công nhận là xã nông thôn mới. Lĩnh vực xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực. Công tác đối ngoại và hoạt động xúc tiến đầu tư được quan tâm đẩy mạnh. Công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường, đã tổ chức thành công cuộc Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh. Công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác quản lý nhà nước, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở có tiến bộ.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong năm 2013, kinh tế - xã hội trong tỉnh còn bộc lộmột số tồn tại, hạn chế. Đó là, kinh tế của tỉnh ta tăng trưởng chưa bền vững, chủ yếu dựa vào đầu tư, một số chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch đề ra. Trong lĩnh vực sản xuất, các sản phẩm công nghiệp hầu hết có giá trị gia tăng thấp, tính cạnh tranh chưa cao; sản xuất nông nghiệp ít có vùng sản xuấthàng hóa quy mô lớn, chưa có công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại đi kèm. Công tác thu hút đầu tư hiệu quả thấp; tiến độ một số công trình, dự án đầu tư XDCB vốn ngân sách nhà nước, nhất là các dự án lớn còn chậm; hồ sơ thủ tục hoàn ứng vốn đầu tư chưa kịp thời; nợ xây dựng cơ bản còn lớn. Doanh thu du lịch tăng chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, du lịch, môi trường và các hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản còn hạn chế, để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số địa phương. Cải cách hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài chưa đạt yêu cầu. Tai, tệ nạn một số nơi còn diễn biến phức tạp.
Năm 2014, là năm có ý nghĩa rất quan trọng cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Tỉnh ta đã trải qua 3 năm thực hiện với các chỉ tiêu quan trọng, có một số chỉ tiêu đạt thấp hơn so với mục tiêu chung 5 năm đề ra. Do vậy, trong năm 2014, Đảng bộ, quân và dân tỉnh ta cần cố gắng nhiều hơn nữa, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để phấn đấu đạt kết quả cao nhất, tạo đà cho việc hoàn thành các chỉ tiêu do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra đến năm 2015. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh đã cơ bản nhất trí cao với mục tiêu tổng quát và 14 chỉ tiêu, trong đó, có một số chỉ tiêu về kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2014 như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) từ 10%; Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng; Thu ngân sách 2.760 tỷ đồng; Giải quyết việc làm cho 15 nghìn lao động; Tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 5%... ủy ban nhân dân tỉnh xác định những nhiệm vụ và giải pháp tổng quát trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 là: Tiếp tục giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch, xây dựng nông thôn mới; thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách đã ban hành, tập trung cải cách hành chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB trên địa bàn. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội; giảm nghèo vững chắc, bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, quản lý quy hoạch, bảo vệ tài nguyên môi trường; tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả và mở rộng công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, UBND tỉnh đã đề ra 9 nhóm giải pháp được nêu trong báo cáo kinh tế - xã hội và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh nhất trí thông qua. Trong đó, cần tập trung ngay vào một số vấn đề sau:
Một là: Tập trung thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, các Chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như của địa phương một cách kịp thời, hiệu quả.
Hai là, Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp điều hành của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô. Tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp với yêu cầu chất lượng cao, bảo đảm môi trường. Có chính sách thu hút đầu tư và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với công nghiệp chế biến. Tích cực thu hút đầu tư vào khai thác lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn.
Ba là, về hoạt động tài chính: Chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm công tác thu ngân sách Nhà nước. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh cần tăng cường rà soát, quản lý nguồn thu, thực hiện tốt công tác chống thất thu, nợ đọng thuế. Về chi ngân sách: tiếp tục thực hiện cơ chế điều hành ngân sách tiết kiệm, thận trọng và linh hoạt; đẩy mạnh việc đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, từng bước giảm dần hỗ trợ từ ngân sách; thực hiện nghiêm túc những quy định về tiết kiệm, chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng kinh phí Nhà nước trong các hoạt động.
Bốn là, trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, triển khai thực hiện các chương trình hành động và đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo tinh thần Nghị quyết hội nghị T.Ư 8 (khóa XI). Đổi mới phương thức đào tạo nghề theo hướng gắn chặt với nhu cầu thị trường lao động. Củng cố và nâng cao chất lượng mạng lưới y tế, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế, công tác vệ sinh môi trường và nước sạch. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trên các lĩnh vực văn hóa,thể thao, thông tin, tuyên truyền, khoa học, công nghệ. Thực hiện tốt, kịp thời các chính sáchbảo đảm an sinh xã hội.
Năm là, về xây dựng chính quyền và công tác quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên môi trường. Tập trung giải quyết và xử lý các vấn đề nổi cộm, bức xúc về môi trường. Tập trung đổi mới tác phong, lề lối làm việc, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; gắn trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài sản của nhà nước. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Sáu là, về công tác an ninh trật tự, quân sự, quốc phòng địa phương; cần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/T.Ư về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời cũng cần tập trung nâng cao chất lượng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp còn tồn tại kéo dài, kiên quyết không để phát sinh các điểm phức tạp mới. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông. Tiếp tục xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt các mặt công tác quốc phòng, quân sự địa phương.
Có thể nói, các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 đề ra rất lớn, thực hiện trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn. Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, Đảng bộ, chính quyền, toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệpcần đoàn kết, đồng thuận, nỗ lựcphấn đấu, thực hiện đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu năm, tạo đà cho việc hoàn thành các chỉ tiêu do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
Bùi Văn Thắng
(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)