Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã làm Trưởng ban. 147/147 xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên trách công tác dân số, gia đình và trẻ em làm Phó Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em.
Toàn tỉnh có 1.764 cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em. Đội ngũ cộng tác viên, cán bộ chuyên trách, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số, gia đình và trẻ em thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.
Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, Nghị định số 14/2008/NĐ-CP, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo UBND tỉnh ban hành quyết định giải thể bộ máy Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh, chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về dân số; chuyển tổ chức biên chế cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số và chuyển nguyên trạng Trung tâm Tư vấn, Dịch vụ Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh vào Sở Y tế từ ngày 15-3-2008.
Căn cứ Nghị định của chính phủ và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện, chuyển chức năng quản lý Nhà nước, tổ chức và cán bộ làm công tác dân số về Phòng Y tế cấp huyện từ tháng 5-2008.
Tổng số cán bộ dân số thuộc Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện được điều động về Phòng Y tế là 16 người. Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em các xã, phường, thị trấn, đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em trong toàn tỉnh vẫn ổn định và tiếp tục hoạt động.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 03-TT/LBYT-NV ngày 24-4-2008 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, Thông tư số 05-TT/BYT ngày 14-5-2008 của Bộ Y tế về việc thành lập Chi cục dân số ở tỉnh và Trung tâm dân số - KHHGĐ ở các huyện, thành, thị, ngày 27-5-2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1053/QĐ-UBND về việc thành lập Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Ninh Bình và thành lập Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Như vậy, trong thời gian qua bộ máy làm công tác dân số của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng đã có những biến động không nhỏ. Nhưng chính trong sự biến động đó chúng ta lại càng nhận rõ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nhiệt tình, tâm huyết của những cán bộ làm công tác dân số. Hầu hết các cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số đều có những băn khoăn, lo lắng, thậm chí nhiều cấp ủy thừa nhận rằng đã có lúc buông lỏng công tác dân số.
Nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, bộ máy cán bộ làm công tác dân số cấp tỉnh, cấp huyện sớm được kiện toàn và đi vào hoạt động. Bộ máy cán bộ dân số cấp xã, cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, kế hoạch hóa gia đình được duy trì ổn định. Hầu hết lãnh đạo các xã mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định rằng: Dù tách hay nhập Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thì công tác dân số vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Nhiều xã, thôn đã đưa mục tiêu dân số trở thành một trong những tiêu chí xét công nhận làng văn hóa, phố văn hóa..., đưa tiêu chí dân số trở thành một trong những nội dung quan trọng trong hương ước của thôn, xóm, bản làng.
Xây dựng gia đình hạnh phúc với 2 con. Ảnh: Phạm Trường
Tiếp xúc với một số cộng tác viên dân số ở cấp xã, chúng tôi nhận thấy những khó khăn trong công việc hàng ngày của họ.
Chị Trần Thị Thơm, cán bộ chuyên trách dân số ở xã Quang Thiện (Kim Sơn) tâm sự: Dù nguồn phụ cấp dân số còn ít ỏi, chị cũng như nhiều cán bộ vẫn tâm huyết với công tác dân số, không quản ngại khó khăn, kiên quyết thực hiện phương châm "Đến từng nhà, rà từng hộ" để vận động thực hiện chính sách dân số. Nhưng thời gian gần đây, chị buồn khi nhìn những kết quả công tác dân số đang dần mất đi. Xã do chị phụ trách đã nhiều năm liền, nhiều thôn không có người sinh con thứ 3. Nhưng khi có thông tin giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thì thành tích này không được giữ vững. Nay chị cũng đã dần yên tâm khi cấp ủy đảng, chính quyền đã không còn buông lỏng chính sách dân số, vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình theo Nghị quyết 47/NQ-T.Ư và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra. Chi cục Dân số - KHHGĐ và Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện, thành phố, thị xã đã được thành lập. Như vậy, những cán bộ dân số như chị sẽ có thêm quyết tâm và niềm tin để thực hiện công việc đã trở thành niềm đam mê của mình.
Đồng chí Trịnh Đức Tính, Bí thư Thị ủy Tam Điệp cũng khẳng định: Thị xã sẵn sàng và sẽ sớm đầu tư nguồn kinh phí, xây dựng trụ sở làm việc, đầu tư trang thiết bị theo đúng chức năng, nhiệm vụ và tầm quan trọng của công tác dân số.
Như vậy, có thể khẳng định rằng công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn được duy trì và triển khai mạnh mẽ; các cấp ủy đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo một cách sâu sát, triệt để; các ban, ngành, đoàn thể đã thực sự vào cuộc. Công tác dân số - KHHGĐ là một vấn đề được quan tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước.
Thu Hương
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy