Trong các năm qua, tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương "Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", giải quyết các thủ tục hành chính bằng cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông", kịp thời lắng nghe và giải quyết trực tiếp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp với thủ tục rõ ràng, công khai, minh bạch, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, khu dịch vụ, khuyến khích xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó mà trong nhiều năm liền chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Ninh Bình luôn được đánh giá ở thứ bậc khá và tốt trong bảng xếp hạng vùng và cả nước (trong đó năm 2014, kết quả PCI tỉnh Ninh Bình đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 17 bậc so với năm 2013) là sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh khi được cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, đánh giá cao.
Tỉnh cũng đã có nhiều hình thức tổ chức vận động xúc tiến đầu tư như: Tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư lớn có tính chất vùng và quốc gia; tổ chức gặp mặt đầu xuân hàng năm giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nhân người Ninh Bình đang làm ăn, sinh sống trên toàn quốc; tham gia hội thảo xúc tiến đầu tư và hội chợ thương mại quốc tế; thường xuyên tuyên tuyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh trên các cơ quan báo, đài Trung ương.
Những năm qua, tỉnh đã đón tiếp nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh: Các nhà đầu tư của Đức, của Trung Quốc (Tập đoàn Song Hoa, Tập đoàn may mặc Hồng Kông...), các nhà đầu tư của Đài Loan, Indonesia, Braxin, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, ấn Độ…
Đặc biệt đã tổ chức quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Ninh Bình đến các cá nhân, tổ chức và các nhà đầu tư tại Hàn Quốc; quảng bá tới Tổng lãnh sự danh dự ở Busan; Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đức; cơ quan xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc KOTRA và Invest Korea; Viện nghiên cứu kinh tế Sam Sung; làm việc với các doanh nghiệp khu kinh tế tự do Busan - Jin Hea, Tập đoàn Sam Sung, Tập đoàn KJ; tổ chức JETRO của Nhật Bản…
Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình cho biết: Đến nay tỉnh Ninh Bình đã thu hút được 542 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 105.180 tỷ đồng; có 40 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 1.042 triệu USD của 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Brunei, Singapore, Anh, Italia, Pháp.
Nhờ các nguồn lực đầu tư trên mà kinh tế của tỉnh luôn duy trì với tốc độ tăng trưởng cao, giai đoạn 2006-2011 tăng GDP bình quân đạt 15,7%; giai đoạn 2011-2015 ước đạt 11,7% (so với năm 2010, quy mô GDP đã gấp 2,1 lần).
Từ một tỉnh thuần nông, đến nay đã trở thành địa phương có nền công nghiệp, du lịch phát triển, có cơ cấu kinh tế hợp lý: Công nghiệp - xây dựng 48%; Nông, lâm nghiệp, thủy sản 12% và tỷ trọng ngành dịch vụ tăng lên 40%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng (giá so sánh 2010) năm 2015 đạt trên 30,7 nghìn tỷ đồng (gấp hơn 2,3 lần so với năm 2010); giá trị dịch vụ giai đoạn 2011-2015 ước tăng 11,16%/năm.
Hoạt động ngoại thương có bước phát triển mạnh, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt gần 975 triệu USD (gấp hơn 9 lần so với năm 2010), lượng khách du lịch đến Ninh Bình không ngừng tăng qua các năm, năm 2015 đạt 6,0 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1,2 triệu lượt, khách lưu trú đạt 1 triệu lượt.
Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp đã sớm hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, góp phần quan trọng làm tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn trong những năm đầu định hướng phát triển công nghiệp, trong đó nổi bật là Nhà máy cán thép Kyoei, Nhà máy xi măng Tam Điệp, The Vissai, Hướng Dương, Duyên Hà, Nhà máy kính nổi Tràng An, Nhà máy phân đạm Ninh Bình, ô tô Thành Công... tạo nhiều giá trị, góp phần tăng trưởng chung cho ngành công nghiệp.
Năm 2015, doanh thu của các doanh nghiệp thuộc các Khu công nghiệp đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm mới cho trên 2.000 lao động.
Hàng năm đã cung cấp các sản phẩm công nghiệp đa dạng và có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế như 9 triệu tấn xi măng, 100 nghìn tấn thép, trên 500 triệu viên gạch, gần 3.000 chiếc ô tô, trên 7 triệu m2 kính nổi, 560 nghìn tấn urê, 2 triệu sản phẩm thêu...
Bên cạnh đó, các khu vui chơi, giải trí, khách sạn nhà hàng, khu nghỉ dưỡng có sức hấp dẫn du khách tham quan thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí và du lịch cộng đồng, làng nghề, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, nhất là dịch vụ phục vụ du lịch tại các khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch hang động Tràng An, khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Tam Cốc-Bích Động, cố đô Hoa Lư, Địch Lộng-Vân Long-Kênh Gà, Nhà thờ đá Phát Diệm-Kim Sơn, hồ Yên Thắng - Yên Đồng - động Mã Tiên, nhờ đó số lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng năm sau cao hơn năm trước.
Trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế đang là nhiệm vụ trọng tâm của nước ta, trong đó tái cấu trúc đầu tư, mà trước hết là đầu tư công đang được đặt ra bức thiết, việc thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng bổ sung nguồn lực đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Trong thời gian tới, tỉnh xác định kêu gọi thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách một cách có chọn lọc, thu hút những nhà đầu tư có năng lực thật sự, các dự án có quy mô lớn, có khả năng thúc đẩy nhiều ngành cùng phát triển, tạo ra các sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, tạo ra giá trị gia tăng lớn.
Tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao, các dự án kinh doanh dịch vụ du lịch có chất lượng cao, đem lại hiệu quả cả về kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào công tác thu ngân sách, giải quyết an sinh xã hội.
Đinh Chúc