Để đảm bảo ổn định tình hình ANTT, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trong đồng bào các tôn giáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Để phong trào thực sự hiệu quả và có sức lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh, thu hút được đông đảo chức sắc, chức việc và đồng bào các tôn giáo tham gia, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh nhiều phong trào thiết thực như "Xứ họ đạo bình yên, chùa tinh tiến về ANTT", "Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn", "Dòng họ tự quản về ANTT"... Công an tỉnh và ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã ký kết thực hiện các chương trình phối hợp nhiều nội dung trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.
Đặc biệt, các cấp, các ngành và lực lượng công an trong tỉnh đã kiên trì tuyên truyền, vận động, tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại, tuyên truyền những nội dung tương đồng phù hợp giữa đạo đức tôn giáo và đạo đức xã hội với việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền với các tôn giáo, cùng chung tay, chung sức xây dựng quê hương, đất nước đẹp giàu, như vận động đồng bào có đạo thực hành "Kính Chúa, yêu nước", sống "tốt đời đẹp đạo", tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương giáo, thi đua phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, vi phạm pháp luật và các loại tội phạm, tai, tệ nạn xã hội...
Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền với sự tham dự của đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; tổ chức 10 đợt ra quân cấp tỉnh về thực hiện Tháng ATGT và cao điểm tấn công trấn áp tội phạm (mỗi đợt có gần 100 chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham dự); 15 đợt tình nguyện, hành quân dã ngoại với trên 1.500 lượt đoàn viên của lực lượng công an về các địa bàn vùng Công giáo giúp đồng bào vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất và các hoạt động từ thiện, nhân đạo như khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng rất quan tâm vận động, phát huy vai trò của các chức sắc, người có uy tín trong đồng bào các tôn giáo tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, qua đó nhằm chuyển tải chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào các tôn giáo; vận động đồng bào tích cực tham gia đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các loại tội phạm, tai, tệ nạn xã hội. Trong đó, nổi bật là đã quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ các tôn giáo tổ chức thành công những sự kiện tôn giáo quan trọng, như: Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc Vesak tại Chùa Bái Đính, Đại hội giới trẻ Công giáo Hà Nội lần thứ XII tại Tòa Giám mục Phát Diệm và lễ Noel hàng năm đảm bảo an ninh, an toàn...
Vào các dịp Tết cổ truyền, Lễ Noel, Lễ Phật đản, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức các đoàn gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà chúc mừng các chức sắc, chức việc các tôn giáo, tạo sự gần gũi, gắn bó và động viên các chức sắc, chức việc tích cực cùng các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động đồng bào, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh ở các địa bàn vùng giáo. Nhiều chức sắc, chức việc trên địa bàn tỉnh được tạo điều kiện tham gia các tổ chức chính quyền, tổ chức xã hội; thông qua đó các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được truyền tải đến với đồng bào có đạo một cách hiệu quả và cũng thông qua các vị chức sắc, chức việc huy động sức mạnh của quần chúng tín đồ vào các phong trào cách mạng ở địa phương đã phát huy tác dụng rõ rệt.
Để việc xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ngày càng đạt hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 23, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 36 về xây dựng phong trào "Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn"; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 10 về xây dựng phong trào "quản lý, giáo dục thanh thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật". Nhiều phong trào thi đua đã huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân và đồng bào có đạo tham gia, như phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"... Cùng với đó, nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng, củng cố vững chắc hệ thống chính trị cơ sở và đội ngũ cốt cán vùng tôn giáo, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng; quan tâm phát triển đảng viên là người Công giáo, Phật giáo..., góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở các địa bàn vùng giáo. Đồng thời, để phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ vùng đồng bào công giáo phát triển mạnh mẽ, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các tôn giáo.
Có thể khẳng định, những năm qua, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong đồng bào các tôn giáo được phát triển rộng khắp, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội và trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột, các vụ việc phức tạp ngay từ cơ sở, tạo điều kiện cho các chức sắc tôn giáo tham gia việc đạo, việc đời một cách hài hòa, đồng thời đảm bảo ANTT tại các khu vực đồng bào các tôn giáo, tạo môi trường xã hội ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Bài, ảnh: Kiều Ân