Qua đó, ý thức của học sinh khi tham gia giao thông đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những học sinh thực hiện tốt, nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, vẫn còn có trường hợp học sinh vi phạm. Việc học sinh có ý thức văn hóa kém khi tham gia giao thông không chỉ gây mất trật tự giao thông mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng của các em.
Theo số liệu của Đội cảnh sát giao thông thành phố, trong Tháng An toàn giao thông, vẫn có 122 trường hợp vi phạm với các lỗi như: vượt đèn đỏ, cầm ô khi đi xe đạp, đi vào đường ngược chiều, đi xe đạp dàn hàng ngang... Số học sinh vi phạm trên hiện đang học tại các trường THPT: Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Lương Văn Tụy, Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình và một số trường THCS trên địa bàn.
Nhằm xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm của học sinh, sinh viên và tăng cường phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho học sinh, Công an thành phố Ninh Bình đã gửi danh sách số học sinh trên về Ban Giám hiệu các trường có học sinh vi phạm, đồng thời thông báo rộng rãi trên Đài truyền thanh thành phố.
Qua làm việc với Ban Giám hiệu một số trường, được biết, số học sinh vi phạm trên đã phải kiểm điểm trước lớp và bị phê bình dưới cờ, đồng thời bị ghi sổ theo dõi xem xét trong xếp loại hạnh kiểm. Với các biện pháp đồng bộ trên, tình hình vi phạm Luật Giao thông trong học sinh đã giảm đáng kể.
Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông là việc làm thường xuyên, lâu dài nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật và trở thành ý thức tự giác trong mỗi người khi tham gia giao thông, đặc biệt trong giới trẻ. Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục - Đào tạo các tỉnh, thành phố triển khai "Tháng An toàn giao thông" và công tác giáo dục pháp luật an toàn giao thông năm học 2009 - 2010.
Mục tiêu đề ra là tạo bước chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông của học sinh, sinh viên, giáo viên và các tầng lớp nhân dân. Thiết nghĩ, các trường nên đổi mới hình thức, cũng như phương pháp giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông. Bên cạnh các bài học lý thuyết cần có các tiết thực hành cho học sinh. Kiểu giáo dục "mưa dầm thấm đất" sẽ giúp thế hệ trẻ biết sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, vì lợi ích chung của cả cộng đồng.
Các hình thức tuyên truyền cũng cần sinh động hơn, như tổ chức sân khấu hóa, tổ chức các cuộc thi về an toàn giao thông... Bên cạnh đó, việc tổ chức cho học sinh xem những hình ảnh về các lỗi vi phạm, về hậu quả của các vụ tai nạn giao thông cũng có tác động mạnh mẽ đối với học sinh. Việc giám sát, xử lý học sinh vi phạm pháp luật an toàn giao thông cũng là việc làm cần thiết và nên duy trì thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông của các ngành chức năng và nhà trường, các bậc phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở con em góp phần giáo dục và nâng cao ý thức về văn hóa giao thông cho các em học sinh.
Tuấn Kiệt