Để giải quyết vấn đề trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra 3 giải pháp chính để giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất khi xây dựng các dự án. Đó là: Tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp được giao đất làm dự án phát triển kinh tế, cam kết trong việc ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, nhất là những lao động có đất bị thu hồi vào làm việc tại doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp hoàn thành dự án xây dựng cơ sở sản xuất, đi vào hoạt động thì nhu cầu tuyển lao động sẽ lớn. Tuy nhiên, để được tuyển vào làm việc tại các dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp đòi hỏi lao động phải được đào tạo nghề. Vì vậy, cùng với việc liên kết đào tạo nghề từ các trường cao đẳng của Trung ương đóng trên địa bàn, tỉnh Ninh Bình đang tích cực chỉ đạo bằng nguồn kinh phí của địa phương thành lập 2 trường trung cấp nghề ở thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp; đồng thời tranh thủ nguồn kinh phí từ Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nâng cấp Trung tâm Dạy nghề huyện Nho Quan; xây dựng 3 trung tâm dạy nghề ở thành phố Ninh Bình, huyện Kim Sơn và thị xã Tam Điệp; phấn đấu trong thời gian tới mỗi huyện, thị có một trung tâm dạy nghề. Nâng cao chất lượng dạy nghề, quan tâm đào tạo những nghề kỹ thuật cao theo nhu cầu của các doanh nghiệp và nhu cầu học nghề của người dân, nhằm đào tạo theo nhu cầu, theo địa chỉ, cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề đủ điều kiện cần thiết để được tuyển dụng vào làm việc trong các doanh nghiệp.
Tăng cường chỉ đạo và làm tốt công tác xuất khẩu lao động ở những nơi có đất bị thu hồi. Hiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thu hút được 24 doanh nghiệp làm công tác trực tiếp tư vấn và tổ chức xuất khẩu lao động ra nước ngoài vào hoạt đông trên địa bàn tỉnh và tham mưu cho UBND tỉnh làm việc cụ thể với các ngân hàng để giải quyết vấn đề vốn vay cho người đi lao động xuất khẩu, cụ thể là: Đối với những đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay với mức tối đa là 30 triệu đồng/lao động, lãi suất 0,65% tháng, thời gian vay căn cứ theo hợp đồng, không phải thế chấp. Đối với các đối tượng còn lại thì các ngân hàng thương mại cho vay tối đa 80% chi phí trong hợp đồng, theo lãi suất tại thời điểm cho vay và phải thế chấp tài sản.
Lao động trẻ tham gia phiên giao dịch để được tư vấn
và đăng ký tuyển dụng với các Doanh nghiệp. Ảnh: P.V
Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác dạy nghề ngắn hạn, phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng các làng nghề, đưa các nghề mới vào từng thôn xóm, tạo việc làm cho người lao động. Đây là giải pháp được coi là cơ bản nhưng cũng là giải pháp khi triển khai gặp nhiều khó khăn nhất bởi lẽ hầu hết lao động ở những nơi thu hồi đất đều là những lao động phổ thông, trình độ kỹ thuật tay nghề còn hạn chế, chưa có tác phong làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Nhiều hộ nông dân dùng tiền bồi thường đền bù đất và tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm để mua sắm tài sản, đồ dùng mà không đầu tư cho học nghề chuyển đổi sản xuất. Mặt khác, do mức thu nhập bình quân của lao động làm các nghề thủ công trên địa bàn còn thấp (khoảng 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tháng) nên nhiều lao động chưa yên tâm học nghề, làm nghề hoặc không có ý định gắn bó lâu dài với nghề. Vấn đề đặt ra là phải tổ chức dạy những nghề mà sản phẩm làm ra phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương, bao tiêu được sản phẩm và đảm bảo thu nhập cho người lao động. Hiện nay cùng với nhiều nguồn vốn dạy nghề nông thôn, nguồn vốn dạy nghề do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh quản lý sử dụng. Các ngồn vốn này đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho các địa phương, các tổ chức dạy nghề, trong đó ưu tiên nguồn kinh phí cho dạy nghề ở những nơi thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Quang Khải