Theo số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 71 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 1.350 triệu USD, gồm 40 dự án đăng ký ngoài khu công nghiệp và 31 dự án trong khu công nghiệp. Nhìn chung, các dự án đều cơ bản đảm bảo thực hiện đầu tư đúng mục tiêu, quy mô, được tạo điều kiện để triển khai một cách thuận lợi, tạo thêm công ăn, việc làm cho người lao động.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 17 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài với tổng mức đầu tư là 167,6 triệu USD, trong đó riêng vốn ODA là 111,5 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước đô thị, xử lý nước thải rác thải, môi trường, y tế.
Các dự án ODA đang được triển khai thực hiện tốt, tuân thủ đúng quy định của quốc tế và Việt Nam, tạo uy tín và mối liên hệ mật thiết với các nhà tài trợ. Công tác vận động, thu hút vốn ODA được tích cực triển khai, trong đó tập trung vào một số dự án trọng điểm như: Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, sử dụng vốn vay Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thực hiện tại tỉnh Ninh Bình sử dụng vốn vay của World Bank (WB).
Để có được kết quả này, những năm qua tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thông qua các hoạt động ngoại giao, đoàn công tác của tỉnh đã thực hiện nhiều buổi tiếp xúc, làm việc với các đối tác nước ngoài nhằm giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư cũng như các chính sách thu đầu tư của tỉnh, tiêu biểu như Tập đoàn BenQ (Đài Loan), Công ty cổ phần Times Garden Việt Nam, Tập đoàn Khách sạn Marriott, Công ty Ilsung MtechCo.Ltd, Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan... Trong năm 2019, đã thu hút được 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 66,6 triệu USD.
Hoạt động xúc tiến thương mại được quan tâm, chú trọng nhằm củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các loại sản phẩm, hàng hóa của tỉnh. Trong đó đã hỗ trợ 2 doanh nghiệp khảo sát tìm kiếm thị trường xuất khẩu tại Cộng hòa Liên bang Đức và 1 doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế tại Nhật Bản.
Thường xuyên thông tin cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do VCCI tổ chức; tổ chức các hội nghị tập huấn, thông tin, tuyên truyền cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), những thuận lợi và thách thức, lộ trình mở cửa thị trường, nghĩa vụ của Việt Nam theo cam kết của Hiệp định CPTTP; tăng cường quảng bá, giới thiệu về các mặt hàng tiềm năng của tỉnh thông qua các buổi tiếp xúc, làm việc với các đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc tại địa phương.
Những hoạt động ngoại giao trên lĩnh vực kinh tế đã mở đường giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời tạo ấn tượng để thu hút các doanh nghiệp có tính chiến lược theo định hướng của tỉnh, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điều này thể hiện qua sự tăng trưởng cao của hoạt động xuất khẩu và du lịch. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 ước đạt trên 2,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tại chỗ ước đạt gần 500 triệu USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 144,8% kế hoạch năm.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục quảng bá, tuyên truyền về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, về tiềm năng, thế mạnh của Ninh Bình với bạn bè quốc tế. Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tuyên truyền các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia 2020 - Hoa Lư, Ninh Bình được tổ chức tại địa phương.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, hợp tác làm ăn với các đối tác nước ngoài. Chủ động xây dựng các chương trình, xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tập trung thu hút vào các ngành, lĩnh vực có ưu thế của tỉnh, các dự án lớn, nộp ngân sách cao và có sức lan tỏa, hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Ưu tiên thu hút đầu tư từ Tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác có công nghệ cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu... Tăng cường kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ODA, FDI và kêu gọi tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhằm góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong tỉnh.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm