Theo Đại tá Nguyễn Công Hoan, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo 515 của tỉnh, liệt sĩ hi sinh trên địa bàn tỉnh chủ yếu là trong thời kỳ chống Pháp, những năm sau giải phóng, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều đợt quy tập hài cốt liệt sĩ đưa vào các nghĩa trang liệt sĩ. Tuy nhiên, có nhiều hài cốt liệt sĩ không có thông tin hoặc có nhưng không đầy đủ gây khó khăn cho việc rà soát, đối chiếu danh sách, kết luận địa bàn. Mặc dù liệt sĩ còn thiếu thông tin còn nhiều, song việc xác định thông tin gặp nhiều hạn chế bởi nhiều hài cốt đã bị phân hủy ở mức độ rất cao nên khó khăn trong quá trình phân tích ADN cũng như việc tìm kiếm hài cốt. Đối tượng để lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ để đối chứng thì tuổi đã cao, sức yếu, không ít trường hợp đã qua đời. Trong khi đó, nhiều nhân chứng là đồng đội của liệt sĩ có thể cung cấp thông tin về danh tính hài cốt iệt sĩ nay cũng già yếu, trí nhớ giảm sút hoặc đã mất… Những khó khăn này đặt ra cho công tác tìm kiếm, quy tập và xác định thông tin hài cốt liệt sĩ cần được triển khai thực hiện cẩn thận, khoa học, chính xác, nhưng cũng hết sức khẩn trương, chạy đua với thời gian.
Theo đó, việc quán triệt, triển khai thực hiện Đề án 1237 "Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ giai đoạn 2016 - 2018" và Đề án 150 "Xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin" trên địa bàn tỉnh cơ bản được triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, nhờ đó, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã rà soát thông tin 712 liệt sỹ là cán bộ, chiến sỹ LLVT địa phương và cán bộ dân chính đảng, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến. Trong đó, có 18 liệt sỹ hi sinh trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố khác chưa có thông tin về phần mộ. Đồng thời, xác minh, bổ sung thông tin gần 2.000 liệt sỹ quê Ninh Bình theo đề nghị của các đơn vị quân đội. Năm 2016, trên cơ sở tin báo của nhân dân, Ban chỉ đạo tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch tìm kiếm, quy tập được 1 hài cốt liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Năm 2017, Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức cất bốc, di chuyển, bàn giao 25 hài cốt liệt sỹ cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội 14 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước bảo đảm trang trọng, chu đáo, an toàn. Cũng trong năm 2017, 2018, Bộ CHQS tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương đón nhận, tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ Lê Văn Kiệm ở huyện Gia Viễn và liệt sỹ Trần Đình Quảng ở thành phố Ninh Bình về an táng tại địa phương đảm bảo trang trọng, chu đáo.
Đối với việc thực hiện Đề án "Xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin", Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ CHQS và Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh chỉ đạo hướng dẫn các địa phương, thân nhân liệt sỹ tổ chức lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Trong năm 2017-2018, đã tiếp nhận, hướng dẫn thủ tục cho 35 thân nhân lấy mẫu giám định ADN. Tính đến ngày 30/9/2018, Ban chỉ đạo đã tiếp nhận trên 8 nghìn thông tin do các tổ chức, cá nhân gửi đến, qua đó từng bước rà soát để xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, bổ sung vào danh sách quản lý, đồng thời thông tin đến gia đình liệt sĩ. Hiện nay, các huyện, thành phố cũng đang tiến hành kiểm đếm mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang và phát phiếu thu thập thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, rà soát thông tin, kết luận địa bàn, lập sơ đồ, bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cấp thôn, xóm và xã…
Đại tá Nguyễn Công Hoan, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo 515 của tỉnh nhấn mạnh, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là một việc làm rất cần thiết, vừa thực hiện chính sách hậu phương quân đội, vừa thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Mặc dù có nhiều nỗ lực, song trên thực tế số liệt sỹ còn thiếu thông tin trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều, chủ yếu trong thời kỳ chống Pháp. Vì vậy, Ban chỉ đạo cũng đã xây dựng kế hoạch với mục tiêu, giải pháp cụ thể để đẩy nhanh việc thực hiện Đề án 1237 và Đề án 150. Theo đó, phấn đấu đến hết quý 1/2019, toàn tỉnh hoàn thành thành lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở cấp xã, cấp huyện, đồng thời xác định khu vực có hài cốt liệt sĩ, xây dựng kế hoạch, thành lập lực lượng lâm thời, tổ chức tìm kiếm, quy tập. Phấn đấu hết năm 2020, cơ bản số hài cốt liệt sĩ hy sinh trên địa bàn được tìm kiếm, quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hồ sơ liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc tìm kiếm, quy tập, xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để thu thập, tổng hợp, cập nhật, bổ sung thông tin về liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ; kết hợp việc vận động nhân dân cung cấp thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ với giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh với hồ sơ, tài liệu các cơ quan, đơn vị, nhân chứng cung cấp. Ban chỉ đạo cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Đề án, qua đó kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phát hiện, tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng việc tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ để trục lợi.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng