Từ đầu năm 2021, ngành Tư pháp đã tham mưu cho UBND, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh ban hành 12 văn bản chỉ đạo, triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Ngành Tư pháp đã xây dựng nội dung tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao để chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện. Đôn đốc, hướng dẫn Phòng Tư pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Trong công tác tuyên truyền PBGDPL, cán bộ Tư pháp các cấp chủ động cải tiến, đổi mới nội dung tuyên truyền hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tới nhân dân. Cụ thể hóa các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho phù hợp trình độ nhận thức của nhân dân.
Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai một cách toàn diện việc thực hiện công tác PBGDPL. Nội dung tuyên truyền đầy đủ, ngắn, gọn, dễ nghe, dễ hiểu tác động trực tiếp tới nhận thức của người dân. Lồng ghép tuyên truyền PBGDPL đến với người dân thông qua các buổi họp thôn bản, tổ dân phố. Duy trì hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật, quản lý, khai thác hiệu quả "Tủ sách pháp luật" ở cơ sở…
Toàn ngành đã tổ chức cấp phát 2.030 phiếu khảo sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân trên địa bàn ở 7 xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự để chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL gồm: xã Ninh Nhất, Ninh Phúc thành phố Ninh Bình; xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải huyện Kim Sơn; xã Phú Sơn, huyện Nho Quan và xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.
Hướng dẫn đội ngũ cán bộ Tư pháp cơ sở thực hiện tốt các nội dung Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở giai đoạn 2019-2022" theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tốt việc kiện toàn các tổ hòa giải, bổ sung thay thế hòa giải viên bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn theo quy định. Toàn tỉnh đã tiếp nhận 317 vụ việc hòa giải trong đó, hòa giải thành 203 vụ (đạt 64,03%).
Hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND" do Bộ Tư pháp phát động, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành Kế hoạch; tổ chức hội nghị phát động Cuộc thi. Kết quả, Ninh Bình là 1 trong 4 tỉnh, thành phố trên toàn quốc có số người tham gia đông nhất với 50.654 lượt dự thi và 36.002 người dự thi, đạt 17/36 giải (chiếm 47% số giải toàn quốc). Với thành tích xuất sắc trong tổ chức cuộc thi, tập thể Sở Tư pháp đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tằng bằng khen.
Với việc đẩy mạnh hoạt động PBGDPL của ngành Tư pháp đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật sâu rộng trong từng gia đình, mỗi khu dân cư, góp phần làm chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, nhân dân; từng bước ngăn chặn và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: Trần Mạnh Dũng