Nghị định có nhiều điểm mới mà trong đó có những lỗi vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng nhằm tăng sự răn đe. Đặc biệt, Nghị định tăng mạnh mức xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn. Cụ thể, tăng mức phạt từ 10-15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước GPLX 4-6 tháng. Đối với người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng. Vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước GPLX 3-5 tháng. Cũng theo Nghị định mới, với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, mức xử phạt được tăng cao. Theo đó, người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền 500.000 - 1 triệu đồng thay vì mức 200.000 - 400.000 đồng trước đây. Nghị định cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng. Bên cạnh đó, tăng mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Nghị định cũng tăng mức phạt đối với lái xe và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ các mức từ 20-50%, 50-100%, 100-150%...
Với những điểm mới trên, có thể nói, Nghị định 46/NĐ-CP sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT). Để tăng tính khả thi, hiệu quả trong việc triển khai áp dụng các quy định tại Nghị định 46, các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến về Nghị định này để mọi người dân nắm bắt được và hiểu đúng ý nghĩa, nội dung, nhất là những điểm mới, những thay đổi của Nghị định số 46/NĐ-CP mới ban hành so với Nghị định 171/NĐ-CP trước đây.
Trong đó, cần phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm Nghị định 46, Nghị định 132 của Chính phủ. Thông qua công tác tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân với mục đích nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm, góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phối hợp với lực lượng Công an trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đối với lực lượng Công an, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt các giải pháp, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, đặc biệt là các hành vi được quy định tại Nghị định 46/NĐ-CP của Chính phủ như: Uống rượu bia say, lạng lách đánh võng, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ khi tham gia giao thông...
Tháng ATGT năm 2016 vừa được phát động. Ninh Bình là một trong những tỉnh đầu tiên trong toàn quốc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng ATGT cùng với phát động cao điểm thực hiện Nghị định 46/NĐ-CP và Nghị định 132/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Hưởng ứng Tháng ATGT, mỗi người chúng ta hãy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, góp phần đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, đem lại cuộc sống bình an cho bản thân, cho gia đình và cho toàn xã hội.
Minh Châu