Hàng năm, BHXH tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng như: Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Bình, Bản tin Thông báo nội bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bản tin Lao động công đoàn của LĐLĐ tỉnh… định kỳ hàng tháng, hàng quý mở chuyên mục phổ biến chính sách BHXH, BHYT, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật; phản ánh tình hình, kết quả, những bất cập cần tháo gỡ trong việc tổ chức thực hiện Luật BHYT.
Đồng thời chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên phối hợp với Đài truyền thanh ba cấp để tiếp nhận, trả lời, giải đáp ý kiến của người dân liên quan đến chính sách BHYT; đặc biệt là những nội dung mới của Luật BHYT. 4 năm (2009-2012), đã có trên 100 tin, bài, phóng sự được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh về chính sách BHYT. Trên 50 nghìn áp phích, tờ rơi, tờ gấp được cấp phát. Tổ chức trên 20 hội nghị, tập huấn, đối thoại trực tiếp với hội viên Hội Nông dân tại 4 huyện, thành phố, thị xã (huyện Gia Viễn, Yên Khánh, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình); phối hợp với ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức đối thoại trực tiếp chính sách BHYT với nhân dân vùng công giáo ở 2 huyện là Yên Khánh và Kim Sơn.
BHXH tỉnh và Sở Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch liên ngành về phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền chính sách BHYT năm 2012 và những năm tiếp theo. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Ban Tôn giáo, Hội Nông dân tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đối với nhân dân toàn tỉnh. Duy trì và phát triển đại lý thu BHYT, định kỳ tổ chức Hội nghị tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho những người làm đại lý thu, có cơ chế phù hợp khuyến khích đại lý vận động người dân tham gia.
Có thể thấy, 4 năm qua, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHYT đã có đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường mở rộng đối tượng tham gia BHYT, nhất là đối tượng thuộc hộ cận nghèo, đối tượng HSSV.
Đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 606.312 người được cấp thẻ BHYT, chiếm 66,26% dân số; nếu tính cả 20 nghìn thân nhân sỹ quan quân đội đã được BHXH Bộ Quốc phòng cấp thẻ thì tỷ lệ có thẻ BHYT trên tổng số dân đạt 68,45%; trong đó có 95.424 trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT, đạt 100%.
Hiện nay, còn khoảng 289.000 người chưa được cấp thẻ BHYT, chiếm 31,55%, tập trung chủ yếu ở nhóm hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và người lao động tự do. Đây là những đối tượng khó vận động, thường đi làm ăn xa nhà, trình độ nhận thức còn hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền Luật BHYT còn có những hạn chế nhất định. Đó là chưa tạo ra bước đột phá, mới chỉ tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn, hội nghị, pa nô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp…; chưa có nhiều hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại các đơn vị sử dụng nhiều lao động, đối thoại trực tiếp với người lao động và người sử dụng lao động; sự phối hợp tuyên truyền vẫn chưa thật sự đạt yêu cầu; một số cơ quan, đơn vị có liên quan (khối doanh nghiệp) chưa nhận thức đúng vai trò, ý nghĩa của việc tuyên truyền thực hiện các chính sách BHYT…
Đồng chí Lê Hùng Sơn, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Thời gian tới, theo chương trình phối hợp, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Tập trung tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Kế hoạch số 42/KH-UBND, ngày 24-6-2013 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị. Trong đó nêu rõ quan điểm của Đảng về chính sách BHXH, BHYT; nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò trụ cột của BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của đất nước; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người sử dụng lao động trong việc thực hiện trách nhiệm của mình với người lao động khi tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có khoảng 55% số người lao động tham gia BHXH, 40% số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 85% số người dân tham gia BHYT. Cụ thể: Giai đoạn 2012-2015, có khoảng 25% số người lao động tham gia BHXH, trong đó có từ 85% người lao động thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH; trên 75% dân số tham gia BHYT, trong đó có 100% HSSV, 30% đối tượng thuộc diện tham gia BHYT tự nguyện. Giai đoạn 2015-2020, có từ 95% lao động thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH; trên 50% đối tượng thuộc diện tham gia BHYT tự nguyện tham gia BHYT. Quản lý chặt chẽ các nguồn kinh phí thu, chi BHXH, BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, chống các biểu hiện lạm dụng thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, đảm bảo cân đối nguồn quỹ BHYT và phấn đấu hàng năm có kết dư để có thêm nguồn chi phí đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật của các bệnh viện; hạn chế và khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng kinh phí BHXH; xử lý nghiêm các đơn vị cố tình dây dưa, chậm đóng, chiếm dụng quỹ BHXH.
Các sở, ngành, tổ chức chính trị-xã hội liên quan như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Ủy ban MTTQ tỉnh… chú trọng tuyên truyền những nội dung cơ bản của Luật BHXH, BHYT; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật BHXH, BHYT, tổng hợp dư luận xã hội để đề xuất kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp…
Ngành BHXH tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT, tạo bước chuyển biến mới, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh…
Hạnh Chi