Tháng ATGT được triển khai trong toàn quốc với thông điệp gửi tới tất cả mọi người khi tham gia giao thông là hãy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, đem lại cuộc sống bình an cho bản thân, cho gia đình và cho toàn xã hội. Ở tỉnh ta, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT những năm gần đây được các cấp, các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với các giải pháp bảo đảm trật tự giao thông.
Công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh. Năm 2014 và 8 tháng đầu năm 2015, tai nạn giao thông tiếp tục giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương. Ninh Bình cũng không có đua xe trái phép, tình trạng ùn tắc giao thông đã được khắc phục.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một bộ phận người tham gia giao thông ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông kém; tình trạng vượt đèn đỏ vẫn còn xảy ra; nhiều trường hợp đi không đúng phần đường, thiếu chú ý quan sát; tránh vượt không đúng quy định…
Một số đối tượng khi tham gia giao thông còn có thói quen tự ý, tùy tiện như vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng, vi phạm quy định về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu…gây nhiều bất ngờ nguy hiểm cho hoạt động giao thông, thậm chí là tác nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ở vùng nông thôn, việc chiếm dụng lòng lề đường để tuốt lúa, làm sân phơi, đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chất lượng, tuổi thọ công trình giao thông còn diễn ra. Ở khu vực đô thị, vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè bày bán hàng, đỗ xe không đúng quy định gây cản trở giao thông…
Để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông phải kết hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về trật tự ATGT, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân khi tham gia giao thông, kết hợp với công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về ATGT. Nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT nói riêng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT. Cần xác định đối tương chủ yếu tham gia giao thông để phổ biến, giáo dục.
Tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông cho người dân cả ở nơi cư trú, cơ quan, trường học, nơi làm việc của người lao động; đặc biệt phải kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, qua các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ…
Giữ gìn trật tự ATGT là trách nhiệm của cả cộng đồng. Mỗi người chúng ta hãy thể hiện nét đẹp văn hóa khi tham gia giao thông. Văn hóa giao thông chính là phải gương mẫu và tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh tuân thủ nghiêm túc Luật giao thông, người tham gia giao thông có văn hóa còn cần có tính cộng đồng.
Tính cộng đồng chính là việc xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông, thể hiện ở việc tôn trọng, nhường nhịn người khác khi tham gia giao thông; chấp hành mọi tín hiệu đèn giao thông và chỉ dẫn của cảnh sát giao thông; từ tốn, bình tĩnh khi có sự cố xảy ra trên đường lưu thông; ưu tiên giúp đỡ người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật; biết nói lời cảm ơn và xin lỗi tùy từng trường hợp trong khi tham gia giao thông…
Minh Châu