So với các năm trước, thời gian qua tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, nên có thể xuất hiện tâm lý chủ quan trong các hộ chăn nuôi. Đồng chí Đinh Quốc Sự, Chi cục trưởng Chi cục thú y cho biết: Có một thực tế là chỉ khi nào có dịch bệnh xảy ra thì người dân mới chú trọng đến việc tiêm phòng, còn khi dịch bệnh yên ắng thì lập tức xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan. Để khắc phục tình trạng này, ngành Thú y đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các địa phương bám sát tình hình thực tế, bám sát cơ sở, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống dịch và thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng.
9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tiến hành tiêm phòng vắc xin H5N1 cho đàn gia cầm với 5.664.700 lượt con, đạt 49,8% kế hoạch năm, tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng được 75.745 liều, đạt 66,4% kế hoạch năm, tiêm phòng 56.478 liều vắc xin cho lợn (đạt 55,4% kế hoạch năm)... Ngoài ra, toàn tỉnh đã sử dụng 10.000 lít Benkocid, 800 lít RTD Iodin và 57,8 tấn vôi bột trong việc khử trùng, tiêu độc. Công tác giám sát dịch bệnh cũng được đặc biệt chú ý ở mọi nơi. Do vậy, dịch bệnh đã được hạn chế.
Ba tháng cuối năm là thời điểm rất dễ xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm, như cúm gia cầm, liên cầu khuẩn, lở mồm long móng và bệnh tai xanh. Việc tiêm phòng là biện pháp chủ động phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao, gây được miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm và duy trì mức kháng thể bảo hộ thường xuyên trong cơ thể con vật, vì vậy cần đặc biệt chú trọng. Vụ thu đông này, Chi cục Thú y có kế hoạch tiêm 2.950.000 liều vắc xin H5N1 cho đàn gia cầm, tiếp tục hoàn thành việc tiêm phòng cho đàn gia súc. Phấn đấu hoàn thành trong tháng 11.
Nét mới trong công tác tiêm phòng năm nay là đối tượng tiêm phòng có sự thay đổi: Chỉ tiêm vắc xin cho tất cả vịt và gà đẻ nuôi thương mại; các đối tượng khác như gà thả vườn, gà nuôi trong gia đình sẽ không tiêm nếu chủ hộ không có yêu cầu. Đây là chương trình thử nghiệm để Bộ Nông nghiệp & PTNT lựa chọn hướng tiêm phòng trong tương lai, bởi hàng năm Nhà nước đang bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ cho công tác tiêm phòng, nếu chương trình này thành công có thể huy động được sự tham gia đóng góp của người dân trong phòng, chống dịch.
Tại huyện Nho Quan, một địa bàn rộng, việc tiêm phòng vốn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng 2 năm trở lại đây dịch bệnh đã được hạn chế nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành Thú y nơi đây trong việc phòng chống dịch. Đồng chí Trần Văn Dưỡng, Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Nho Quan đã xây dựng kế hoạch tiêm phòng vụ thu đông từ ngày 21-9-2009. Theo đó, đàn gia súc sẽ tiến hành tiêm phòng từ ngày 25-9, còn đàn gia cầm sẽ tiến hành tiêm mũi 1 từ ngày 15 đến 17-10 và mũi 2 từ ngày 13 đến 15-11. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các xã, thị trấn đã xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch, nắm chắc số lượng đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm để thành lập đủ số tổ tiêm, trên cơ sở đó đăng ký số lượng vắc xin với Chi cục Thú y tỉnh. Đến thời điểm này, huyện đã tổng hợp xong số lượng gia súc, gia cầm phục vụ cho công tác tiêm phòng, sẽ có 26.905 con trâu, bò, 68.465 con lợn, 219.400 con thủy cầm thuộc diện tiêm phòng bắt buộc. Hiện nay đã có 7/27 xã thực hiện xong việc tiêm phòng trên đàn gia súc. Đồng chí Phạm Thị Mai, Trạm trưởng Trạm thú y huyện cho biết thêm: Mặc dù địa bàn huyện rộng, hệ thống thú y mỏng, chế độ chính sách còn thấp nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, sẽ tiêm phòng tụ huyết trùng trâu, bò đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn, tiêm phòng vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng theo chương trình khống chế dịch của Quốc gia đạt tỷ lệ 100% theo số lượng đã đăng ký...
Nguyễn Lựu