Thực trạng nợ đọng BHXH, BHYT Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 529 là một trong những đơn vị có số nợ BHXH lớn, với hơn 2,8 tỷ đồng, số tháng nợ đọng là 54 tháng. Công ty có trụ sở tại phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp nhưng hiện công ty đã bán trụ sở nên việc thu hồi nợ BHXH, BHYT của ngành BHXH càng gặp nhiều khó khăn. Việc công ty nợ đóng BHXH, BHYT dẫn tới quyền lợi của cán bộ, công nhân viên bị ảnh hưởng, các chế độ, chính sách đối với người lao động, nhất là khi họ đang trong thời kỳ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán các chế độ theo quy định; đặc biệt, một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp hưu trí, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Công ty TNHH Sinh Lộc, phường Bích Đào (thành phố Ninh Bình) hiện có 19 tháng nợ đọng BHXH với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng, đây là mối lo lớn của công ty và cả ngành BHXH tỉnh trong việc thu hồi và thanh toán nợ. Bà Phạm Thị Thơm, đại diện Công ty cho biết: Công ty chuyên sản xuất mặt hàng quần áo thể thao xuất đi Hàn Quốc. Mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định, doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 đạt 15 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 150 lao động. Nhưng do Công ty đầu tư xây dựng nhà xưởng, đầu tư thiết bị quá nhiều nên việc tái đầu tư, việc đóng góp các khoản thu BHXH, BHYT gặp khó khăn. Vẫn biết việc không nộp BHXH, BHYT của Công ty dẫn đến nhiều lao động không được hưởng các chế độ, quyền lợi theo quy định, nhưng thực sự chúng tôi đang "lực bất tòng tâm"…
Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 6-2016, toàn tỉnh có gần 50 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền trên 120 tỷ đồng, bằng 14% tổng số phải thu. Một số đơn vị có số nợ đọng cao là thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình, các huyện Yên Mô, Hoa Lư..., mỗi địa phương có hàng chục doanh nghiệp nợ BHXH từ 6 tháng trở lên. Địa phương nợ nhiều nhất là thành phố Tam Điệp, các doanh nghiệp nợ số tiền gần 20 tỷ đồng; tiếp đến là thành phố Ninh Bình với số nợ hơn 11 tỷ đồng, huyện Yên Mô nợ hơn 2 tỷ đồng, huyện Hoa Lư gần 2 tỷ đồng...
Trong số đó, 11 đơn vị có số nợ kéo dài từ 1 năm đến 6 năm như: Công ty TNHH Dương Giang (Hoa Lư) nợ hơn 7 tỷ đồng; Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Đông Thành (thành phố Ninh Bình) nợ gần 4,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 529 (thành phố Tam Điệp) nợ trên 2,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Sinh Lộc (thành phố Ninh Bình) nợ trên 1,1 tỷ đồng; Công ty cổ phẩn vận tải ô tô số 4 số nợ là 2,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần gạch ngói Sông Chanh (Hoa Lư) nợ gần 1,3 tỷ đồng.... Đáng chú ý, đã có có khá nhiều đơn vị nợ đọng số nợ lớn với thời gian dài, được ngành BHXH thanh kiểm tra, đôn đốc giải quyết nhiều lần nhưng không thành công, theo đó đã tiến hành khởi kiện và chuyển hồ sơ qua Chi cục Thi hành án tỉnh, như: Công ty cổ phần xây dựng thủy lợi Ninh Bình, Công ty TNHH thương mại Lộc Tài, Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Thành Đạt, Công ty TNHH YNS VINA…
Theo ông Phạm Văn Sơn, Trưởng phòng khai thác và thu nợ (BHXH tỉnh), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT trong thời gian qua, nhưng nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm, sức mua thị trường giảm, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, không có khả năng đóng BHXH, từ đó làm cho nợ BHXH tăng nhanh.
Bên cạnh đó, nhận thức về trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động còn hạn chế, nhất là những doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhiều doanh nghiệp cố tình không đóng BHXH hoặc chỉ đóng BHXH cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn. Việc ký kết hợp đồng lao động chưa được thực hiện đầy đủ, ký hợp đồng lao động theo thời vụ để tránh đóng BHXH; tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động thấp, chủ yếu theo mức lương tối thiểu vùng.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng nợ BHXH ngày càng tăng, là do cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, chưa sát với thực tế. Cụ thể như, do quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng nên một số doanh nghiệp cố tình nợ BHXH, chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH. Chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH còn nhiều bất cập như: thủ tục xử phạt phức tạp, không quy định xử lý hình sự khi chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động…
Ngoài ra, còn một số nguyên khách quan dẫn đến các doanh nghiệp chây ì nộp bảo hiểm là do người lao động chưa hiểu đúng, nhận thức chưa rõ quyền lợi khi tham gia bảo hiểm mà chỉ quan tâm đến nhu cầu việc làm, từ đó vô tình tạo kẽ hở cho chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH. Mặt khác, hoạt động của các tổ chức công đoàn cơ sở tại một số doanh nghiệp chưa được quan tâm, công tác tuyên truyền và thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động chưa được bảo đảm…
Cần chế tài đủ mạnh nhằm hạn chế nợ đọng BHXH, BHYT
Theo BHXH tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 2.200 đơn vị với trên 83 nghìn người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, trong đó có khoảng 910 doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT. Qua dữ liệu của Cục Thuế, còn trên 500 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa tham gia BHXH, BHYT và số doanh nghiệp đã tham gia nhưng chưa tham gia hết số lao động hiện đang sử dụng với số lao động ước tính khoảng 6.500 người. Với số nợ hơn 126 tỷ đồng tính đến hết tháng 6-2016, bằng 14,5% tổng số phải thu; trong khi tỷ lệ chung của toàn quốc là 5,87%, Ninh Bình trở thành tỉnh có số nợ đọng BHXH, BHYT cao so với cả nước.
Tình trạng nợ đọng, dây dưa kéo dài việc đóng BHXH, BHYT đã và đang được các doanh nghiệp bào chữa bằng nhiều lý do, song theo nhận định của các cán bộ chuyên môn thì nhiều doanh nghiệp đang lách luật do chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Cụ thể như, theo Nghị định 86/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định: xử phạt hành chính đối với những doanh nghiệp trốn đóng hoặc nợ đọng BHXH quá hạn, thì mức phạt tối đa là 30 triệu đồng. Với mức phạt thấp như vậy, các doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt ở mức cao nhất và trả lãi suất nợ BHXH. Nhiều doanh nghiệp không chỉ chậm đóng, nợ BHXH mà còn trích trừ tiền BHXH của người lao động nhưng không đóng mà chiếm dụng để làm vốn duy trì hoạt động; lý do là số tiền nợ BHXH, BHYT có lãi chậm đóng thấp hơn lãi suất khi đi vay vốn từ các ngân hàng, hơn nữa không phải làm thủ tục thế chấp.
Với nhiều doanh nghiệp vi phạm nợ số tiền lớn, trong thời gian dài như ở thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình, các huyện Hoa Lư, Yên Mô… đã từng khởi kiện tại tòa án dân sự. Tuy nhiên, do thủ tục khởi kiện tương đối phức tạp, trong khi nhiều doanh nghiệp lại thiếu sự hợp tác; thời gian khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm kéo dài, việc thi hành án chậm hoặc không thu hồi được. Mặt khác, xử lý vi phạm pháp luật về BHXH chưa kiên quyết, giải quyết kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra không kịp thời dẫn đến việc nhiều chủ doanh nghiệp không coi trọng việc thực hiện pháp luật về BHXH và bảo đảm quyền lợi người lao động.
Ông Phạm Văn Sơn, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ (BHXH tỉnh) cho biết thêm: Để hạn chế việc nợ đọng và các vi phạm về BHXH, BHYT, trong những tháng cuối năm 2016, BHXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo các bộ phận chức năng quyết liệt thực hiện đôn đốc, thu nợ, đặc biệt là những đơn vị nợ đọng số lượng nhiều và kéo dài. Yêu cầu BHXH các huyện, thành phố thường xuyên thông báo và đến từng đơn vị còn nợ đọng để đôn đốc việc thu nộp BHXH, BHYT; nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trên địa bàn để đưa ra những biện pháp đôn đốc, xử lý kịp thời.
Phối hợp với Cục Thuế, Sở KH&ĐT, các cơ quan Nhà nước về quản lý lao động để khai thác những đơn vị mới chưa tham gia hoặc đã tham gia nhưng chưa tham gia hết số lao động hiện đang sử dụng. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh phối hợp với các ngành hữu quan tiến hành thanh tra các đơn vị sử dụng lao động, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp cố tình chây ỳ; quản lý chặt chẽ công tác quản lý thu, xử lý thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT cho người lao động.
Đặc biệt, ngành BHXH cũng mong muốn những chế tài có tính chất xử lý nghiêm minh, răn đe đủ mạnh sẽ sớm được thực thi. Cụ thể như, tại Điều 216, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, quy định người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm…
Trường hợp đơn vị nợ có dấu hiệu chây ỳ, cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHXH tỉnh báo cáo với BHXH Việt Nam và UBND tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra và yêu cầu thanh toán dứt điểm số tiền nợ. Đối với đơn vị, doanh nghiệp nợ trên 6 tháng, với số tiền lớn (từ 100 triệu đồng trở lên), sau nhiều lần kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở hoặc đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, nếu đơn vị vẫn cố tình không nộp, BHXH tỉnh thực hiện lập hồ sơ khởi kiện ra tòa án.
Mỹ Hạnh