TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia (bao gồm Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Australia, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam), được hình thành với mục tiêu chính là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…
Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết một loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác quốc tế, quốc gia có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Đặc biệt, ngày 4-2-2016, Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (còn gọi là TPP) đã chính thức được ký kết tại thành phố Auckland, New Zealand. Hiệp định TPP được ký kết mang lại nhiều lợi ích và cả khó khăn, thách thức với Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với các nước, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tăng cường tham gia các chuỗi giá trị khu vực, phát triển dịch vụ, đổi mới cơ cấu nền kinh tế. Tham gia vào Hiệp định TPP giúp Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực châu á-Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ngoài ra, việc tham gia Hiệp định TPP sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Hoa Kỳ và các nước vào Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi, việc cam kết và thực hiện các cam kết sâu và rộng trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định TPP cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt là sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây là con đường mà sớm hay muộn Việt Nam cũng phải đi qua để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế. Như vậy, bên cạnh những thách thức, TPP mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp Ninh Bình nói riêng những cơ hội bước vào thị trường rộng lớn và hưởng các ưu đãi về thuế quan. Theo nhận định của các chuyên gia, các ngành như: dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, phân phối ô tô…sẽ được hưởng lợi từ TPP. Các nhóm ngành có thể sẽ gặp khó khăn là mía đường, dược, nông sản.
Đối với tỉnh ta, để đón cơ hội TPP mang lại, tỉnh đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu, trong đó tập trung vào các mặt hàng chủ lực như: chế biến rau, củ, quả, gạo, chăn nuôi, thủy sản; các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ như chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren, cói…Ngoài cơ hội cho xuất khẩu, TPP còn được coi là dòng chảy thu hút đầu tư, đặc biệt là ngành dệt may và nông nghiệp.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang mù mờ thông tin về Hiệp định TPP. Hạn chế này sẽ khiến sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí thua thiệt về mặt pháp lý khi tham gia thương mại quốc tế.
Điều đó đặt ra yêu cầu cho các ngành chức năng là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, về Hiệp định TPP nói riêng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân.
Cùng với đó, chú trọng hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp nhận thức rõ sản phẩm của mình đang sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thuận lợi gì khi hội nhập TPP; đồng thời tăng cường tổ chức các lớp tập huấn giới thiệu về công tác thông tin đối ngoại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp và đối với các sản phẩm đặc sản địa phương.
Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động tiếp cận thông tin, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp…để giữ vững thị phần trong nước, đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển.
Minh Châu